Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Chương 2
Trần Nghệ Tôn chú trọng nhất tới văn hiến. Qua thời Trần Dụ Tôn rồi
Dương Nhật Lễ, triều đình không chú ý gì tới chính sự, chỉ lo hưởng lạc,
nên dân rất nghèo và triều chính thì thối nát, tất cả cái cơ nghiệp điêu tàn ấy
đổ hết xuống vai Trần Phủ.
Chu Văn An dạy học ở núi Chí Linh, nghe tin đảng giặc đã tan, bọn gian
thần xiểm nịnh đều đã chết cả và Thăng Long nô nức đón vua mới Nghệ
Tôn, ông thầy già đang ốm cũng khỏe hẳn lại. Ông chống gậy về kinh đô
chúc mừng vua mới. Ông thầy già quỳ giữa sân rồng nước mắt đầm đìa
sung sướng, Nghệ Tôn lật đật xuống ngai vàng đến đỡ ông dậy. thuở còn là
hoàng tử. Ông được thầy Chu dạy dỗ nên vẫn lấy tình thầy trò cung kính
với ông:
- Thưa thầy, học trò tài hèn đức mỏng, mới lên ngôi, nếu được thầy dạy dỗ
bổ khuyết cho những chỗ non nớt của công việc chính sự...
- Tâu bệ hạ, thần nay đã quá già, lại ốm yếu luôn e không đương nổi công
việc. Bệ hạ là người sáng suốt nhân từ, đó là điều đại phúc cho dân. Bệ hạ
lại đã trải qua nhiều năm làm quan đầu triều, hiện nay. lại xuất hiện nhiều
nhân tài... Thần chỉ mong bệ hạ coi dân như con, cùng chia sẻ vui buồn với
dân... lấy vương đạo làm con đường hướng thượng.
- Thưa thầy, học trò xin lấy lời thầy dặn làm châm ngôn chính sự.
Tuy Chu Văn An không ở lại triều mà quay về làng, nhưng câu chuyện vua
Nghệ Tôn không lấy lễ vua tôi, mà là lấy lễ học trò đối với thầy ra tiếp đón
Chu Văn An đã làm dân Thăng Long nức lòng khâm phục và từ đấy Nghệ
Tôn nổi tiếng vua hiền. Khi Chu Văn An ốm tại quê Thịnh Liệt, vua thân
hành đến thăm tại nhà. Đó là nghi lễ chỉ dành riêng các đại công thần. Khi
chết, lại sai quan tư đồ Trần Nguyên Đán đến dụ tế, tặng thuỵ, rồi có mệnh
lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu. Tất cả sự trân trọng của Nghệ Tôn đối với
Chu Văn An đã làm kẻ sĩ khắp nước phấn khởi. Nghệ Tôn hỏi Quý Ly:
- Khanh nghe ngóng thấy tình hình phục hưng đất nước ra sao?
- Tâu bệ hạ, vừa qua nhà vua xử sự rất trọng thị với bậc danh nho, đã làm