5. ĐỐI NGOẠI
GIAO THIỆP VỚI TRUNG HOA
Thời ấy, nhà Nguyên bên Trung Hoa đã suy. Những vị anh hùng người
Hán như Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành, khởi
binh đánh đuổi quân Mông cổ xâm lược. Chu Nguyên Chương dấy nghiệp ở
đất Từ Châu (tỉnh An Huy), chiếm thành Kim Lăng, mười lăm năm dứt
được nhà Nguyên, thống nhất thiên hạ, dựng lên cơ nghiệp nhà Minh, hiệu
là Minh Thái Tổ.
Năm Mậu Thân (I368), Minh Thái Tổ sai sứ đưa thư sang dụ nước ta,
Dụ Tông sai quan Lễ bộ thị lang là Đào Văn Đích sang cống.
Việt Nam lúc ấy đã suy nhược, nhưng nhờ nhà Minh vừa định xong
thiên hạ, bận rộn sửa sang việc nước, chưa rãnh tay tính việc thôn tính Việt
Nam, bằng không, với tình thế quốc gia hồi ấy, Trần triều không thể nào
đương đầu nỗi với một cuộc xâm lăng từ Bắc phương.
Đến khi chính sự Trung hoa đã yên, nhà Minh bắt đầu dòm dõ nước ta,
thường sai sứ sang sách nhiễu. Năm Giáp Tỵ (I384) Minh Thái Tổ sai sứ
sang bắt Việt Nam phải cung cấp năm ngàn thạch lương cho quân Minh
đóng ở Vân Nam. Năm sau (I385) chúng lại cho sứ sang bắt ta phải đưa sang
Kim lăng 20 tăng nhân, cùng gỗ quí và lương thảo. Chủ ý của họ là dò dẫm
tình hình nước ta.
GIAO THIỆP VỚI CHIÊM THÀNH
Nỗi bận tâm đối ngoại của chánh quyền triều Trần là Chiêm Thành.
Dưới triều Dụ Tông, Chiêm Vương Chế A Nam qua đời. Con là Chế
Mộ, rể là Bồ Đề tranh nhau ngôi vua. Dân Chiêm ủng hộ Bồ Đề. Năm Nhâm
Thìn (I352) Chế Mộ chạy sang Việt Nam cầu cứu…