Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.
« Hồ Tây là cố đô nhà Trần, cho nên câu ấy có ý nói : dù chàng có theo
Hồ Hán Thương, thiếp vẫn theo nhà Trần. »
Câu chuyện này không giải thích được một cách hoàn toàn thỏa mãn
câu ca dao trên, vì có một điểm ngờ : năm I397, lúc Quí Ly cho xây thành
Tây Đô, thì mới tháng giêng năm Đinh Sửu, dưới đời Thuận Tông. Đến
tháng mười năm ấy mới thiên đô. Năm sau Thuận Tông nhường ngôi cho
Thái tử Ấn và đến tháng hai năm canh thìn (I400) Quí Ly mới lên ngôi, như
vậy làm gì có « Hồ Hán » lúc xây kinh đô mới ?
Tuy nhiên câu ca dao kia và huyền thoại nọ thật sự được truyền khẩu
trong nhân dân – chẳng biết từ đời nào. Xét về văn chương câu ca dao và
tinh thần huyền thoại – mặc dầu thuộc loại văn chương bình dân – thì tuyệt
hay. Điều đó chứng minh xuất xứ của chúng có lẽ từ đẳng cấp nho sĩ.
Xét qua đại ý câu chuyện, ta nhận thấy rằng phe nho sĩ đã mở một cuộc
tuyên truyền trong dân chúng phá hoại công cuộc xây thành của họ Hồ, và
có thể có những sự phá hoại tương tự trong tất cả những cải cách khác của
Quí Ly lúc bấy giờ.
Để đối phó với phản động, Hồ Quí Ly phải dùng những biện pháp
mạnh, thẳng tay đàn áp. Tuy nhiên, cuộc tuyên truyền ngấm ngầm chống
Quí Ly bằng ca dao, bằng huyền thoại truyền khẩu vẫn lan rộng trong dân
gian, gây ra một cuộc chống đối tiêu cực và trở thành tích cực một khi quân
xâm lăng tràn sang giày đạp quê hương, và vì vậy mà xảy ra nạn mất nước !
Hội thề Đốn Sơn. – Cuộc mưu sát Hồ Quí Ly được tổ chức tỉ mỉ vào
ngày Hội thề Đốn Sơn do sự cấu kết giữa phe quí tộc, và các sĩ phu công
thần triều Trần.
Theo tục lệ nhà Lý, hàng năm các quan văn võ đem đủ quân hầu, gia
nhân đến thề trước thần vị của thần Đồng Cổ.
Nguồn gốc hội thề ấy xuất phát từ đời vua Lý Thái Tông.