Công cuộc cải cách điền địa còn được thi hành triệt để và một cách
khoa học với sự ĐẠC ĐIỀN đại qui mô trên bình diện toàn quốc. Đây là
công cuộc mà chưa triều đại nào nghĩ tới.
Năm Mậu Dần, Quí Ly hạ lệnh đo lại ruộng đất, hạn cho các quan địa
phương phải hoàn tất công việc vĩ đại này trong 5 năm vì có sự ẩn lậu.
Các quan lộ, phủ, châu, huyện phải cho các điền chủ khai rõ số ruộng
đất mình có rồi biên họ tên vào một cái thẻ cắm trên thửa ruộng hay đất.
Một hội đồng gồm các quan địa phương thân hành đến tận nơi kiểm soát và
đo lại rồi lập thành điền bạ. Thửa ruộng nào không có người khai sẽ bị nhập
vào công điền.
Biện pháp nầy có một tầm quan trọng rộng lớn đối với một quốc gia
nông nghiệp và y như ở các nước tân tiến ngày nay. Nhờ đó chánh quyền
biết rõ diện tích ruộng đất sản xuất được trong nước, lập được danh sách
điền, địa chủ và số ruộng đất họ có, thực hiện công bằng thuế khóa vì không
ai ẩn lậu được nữa. Ngoài ra, ruộng đất đều có sổ bộ đàng hoàng, quyền tư
hữu của nhân dân được bảo đảm, sự cầm, bán, lưu truyền cho con cháu được
minh bạch, và khi có tranh tụng, cũng dễ cho quan lại phân xử. Hơn nữa,
việc đạc điền làm cho lòi ra một số ruộng đất bị chiếm hữu vô quyền hoặc
vô thừa nhận, nhập vào công điền cấp lại cho dân không ruộng đất cày cấy
hoặc trồng trọt.
Ngoài quyền lợi của chánh quyền, người ta thấy rõ Quí Ly muốn cho
nông dân có ruộng cày, không bị những kẻ giàu có và đẳng cấp quí tộc, tức
là những thành phần có nhiều uy thế trong giai cấp thống trị bóc lột sức lao
động.
Muốn hay không, Quí Ly cũng đã thực hiện được công bằng xã hội có
lợi cho đại chúng, vừa củng cố được chính quyền và mang lại cho đất nước
những quy mô của một quốc gia văn minh ở một thế kỷ mà cả thế giới hãy
còn trong tình trạng bán khai.
Tiếc thay, một chánh trị gia sáng chói như vậy lại không được nhân dân
hiểu biết để đến nỗi nước mất nhà tan.