người phản đối phe cải cách nhanh và mạnh giống như ông. Cùng với họ,
ông có thể lập ra nhóm ủng hộ Gorbachev.
Yeltsin tiếp tục tăng sức ép với trung ương. Trong bài phát biểu trước
Xô viết Tối cao Nga ngày 16/10, ông tuyên bố thúc đẩy chương trình 500
ngày và kết tội Đại hội Đại biểu Nhân dân Xô viết đang cố thu hẹp chủ
quyền của các nước cộng hòa, làm giảm tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị
trường và muốn duy trì một hệ thống hành chính-mệnh lệnh. Giới lãnh đạo
bị chia rẽ sâu sắc. Theo Ryzhkov, nền kinh tế suy thoái là do sự yếu ớt và
thiếu quyết đoán của bộ máy trung ương. Yakovlev cho rằng rắc rối nảy
sinh từ việc triển khai quá chậm chạp nền kinh tế thị trường và còn tồn tại
hàng loạt vấn đề suy giảm trong sản xuất, phải tăng cường các chương trình
xã hội để đền bù thiệt hại cho người dân. Việc này có thể dẫn tới lạm phát
dữ dội. Nền kinh tế thị trường sẽ đi vào thực tế và có hiệu quả, không chỉ vì
trung ương quyết tâm thực hiện, mà còn do hệ thống hành chính − mệnh
lệnh đã sụp đổ.
Nước Nga tiến hành ký các hiệp định kinh tế với các nước cộng hòa
khác, dứt bỏ xí nghiệp và nông trang tập thể do Liên bang kiểm soát. Nước
Nga đơn phương tăng giá thu mua thịt. Một phần đó là phản ứng đáp trả
việc các nước cộng hòa Baltic đã tăng giá, hậu quả là thịt đã tràn lên phía
bắc. Rõ ràng, hoàn toàn không có hiện tượng như vậy trong nền kinh tế Xô
viết trước đây.
Andranik Migranyan, chuyên gia thời sự nổi tiếng, tóm tắt tình hình
vào tháng 9/1990 như sau:
Tổng thống và Xô viết Tối cao đang nỗ lực thị trường hóa và dân chủ
hóa Liên bang Xô viết − một nhà nước không tồn tại được bao lâu nữa.
Sự sụp đổ hoàn toàn của trung tâm chính trị này có nghĩa là ít có triển
vọng cho bất kỳ chương trình cải cách kinh tế nào được triển khai...