cuốn hút của Laponia, gắn liền với nghề chăn nuôi tuần lộc từ năm 1600.
Trước kia người Laponia đi săn, đánh bắt cá, đôi khi làm nông nghiệp.
Trước những bức họa của Lars Pirak, người sử dụng bút lông cũng khéo léo
như tổ tiên ông đã từng sử dụng dao để chạm khắc cảnh làm việc hoặc
phong cảnh phương Bắc u sầu trên những tấm da hoặc xương, ta cảm nhận
sự hiện diện của chứng nhân và dấu vết của một dân tộc đặc biệt, tự hào về
sự khác biệt của mình nhưng không một mảy may kiêu căng hay mang suy
nghĩ chủ nghĩa quốc gia ngu đần. Ra khỏi bảo tàng, ta thấy bất ngờ khi biết
và thừa nhận rằng giới trẻ Laponia, ngày càng nhiều, đi xuống phía Nam
tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, và rằng đa số họ không bao giờ trở lại.
Sau ba ngày ở Jokkmokk, Per gợi ý tôi tranh thủ tuyết không rơi đi
đến Kvikkjokk cách đó một trăm ki lô mét.
Kvikkjokk là một thôn nhỏ nằm lọt trong một phong cảnh đẹp đến nao
lòng. Những cánh rừng thông, sồi và bu lô với những cành cây phủ băng
trải ra một hình ảnh siêu thực gợi nhắc tôi rằng chúng ta đang đến gần xứ
sở của những thầy cúng, thuật sĩ và phù thủy thường xuất hiện trong những
truyện dân gian Bắc Âu.
Truyện dân gian Phần Lan kể rằng ở Laponia có những thuật sĩ toàn
năng nhất, “họ di chuyển trên những cành thông hoặc trong một cơn gió
xoáy, biến mình thành nai sừng tấm hoặc chó sói, thành cá hồi hoặc đầu
một con sóng nhỏ dịu dàng trên sông”. Trong truyện dân gian Phần Lan,
người Laponia và thuật sĩ gần như là đồng nghĩa. Sau khi chúng tôi đến
Kvikkjokk một ngày, nhiệt độ xuống âm ba tư độ. Không thể đi thăm Sarek
hay công viên quốc gia Padjelanta. Để an ủi, tôi đi thăm nhà thờ và thấy
trên một bức tường thông điệp của Jean-François Regnard, nhà thơ châm
biếm Pháp và một người du lịch đáng nể (1655-1709), ông đã đến đây với
hai người bạn của mình năm 1681: “Chúng tôi sinh ra ở xứ Gaules. Châu
Phi đã thấy chúng tôi. Trong dòng nước thiêng sông Hằng chúng tôi đã tái
sinh. Chúng tôi đã ngang dọc khắp châu Âu, trên cạn lẫn dưới biển, bị cuốn