Vào năm 1985, cùng thời gian với nạn hủy diệt tài nguyên rừng của
vùng Patagonia thuộc Chile dưới tay những công ty gỗ Nhật Bản, vùng
Patagonia của Argentina biết đến những nỗi kinh hoàng của tiến bộ tự do
mới: những cái máy xẻ bắt đầu đốn chặt những cây thông lá đỏ, sồi rừng,
sồi xanh, dẻ, từ những cây ba trăm tuổi hoặc hơn nữa đến cả những bụi cây
chưa đây một mét. Tất tật chạy thẳng vào cái mõm của máy nghiền chuyển
chúng thành vỏ bào, thành mạt cưa để dễ bề vận chuyển về Nhật Bản. Sa
mạc tạo ra theo cách đó kéo từ Chile sang đến tận Patagonia của Argentina.
Mô hình kinh tế của Chile và Argentina là thắng lợi to lớn của những
nền độc tài. Những xã hội lớn lên trong sự sợ hãi phải thừa nhận tất cả
những gì bắt nguồn từ sức mạnh, vũ khí và tư bản là hợp pháp. Quanh vùng
hồ Epuyén, dường như không gì và không ai có thể chống lại tiếng ầm ì
hung dữ của những cái máy xẻ. Tuy nhiên Lucas Chiappe, một anh chàng
Lucas nào đó, đã nói không, và đảm nhận nói chuyện, nhân danh rừng, với
những người ở phía Nam vĩ tuyến 42.
- Tại sao anh muốn cứu rừng? một trong số họ hỏi anh.
- Vì đó là việc phải làm. Còn vì lý do gì khác nữa chứ? Lucas trả lời.
Và như vậy, bất chấp mọi phong ba bão táp, giữa những thử thách và
đe dọa, đánh đập, cầm tù, vu khống, ra đời dự án “Lemu”, theo tiếng
Mapuche có nghĩa là rừng.
Ở Buenos Aires, người ta gọi họ là “những tên hippie chết tiệt chống
lại tiến bộ”, nhưng những người dân vùng hồ Epuyén ủng hộ họ vì một đạo
lý sơ đẳng nói với họ rằng bảo vệ đất đai là bảo vệ những người sống ở
vùng cực Nam.
Mỗi cây cứu được, mỗi cây trồng xuống, mỗi hạt mầm được chăm
chút trong vườn ươm là một giây gìn giữ được trong dòng thời gian không
tuổi tác của Patagonia. Nay mai, dự án Lemu sẽ có thể là một hành lang