Papa Hemingway luôn bên tôi từ thời trẻ. Trước chiếc bàn của thợ làm
bánh mà tôi vẫn ngồi viết, tôi có một bức ảnh của ông trong chiếc áo len to
dày và ta có thể thấy trên gương mặt mọi vết dấu mà cuộc sống đã hẳn in
trên đó.
Tôi viết vết dấu chứ không phải vết sẹo, vì sẹo là những kỷ niệm của
nỗi đau; trái lại, những vết dấu của Hemingway nói với tôi: nhìn này, bạn
của tôi, chính là từ đây sản sinh ra văn học, từ những vết dấu này, những
chứng chỉ về tất cả những gì ta đã sống qua.
Thường xuyên, tôi đi theo dấu chân ông ở Tây Ban Nha, Ý, Cuba, và
tôi luôn tìm thấy ở đó những vết dấu làm củng cố mối tình cảm của tôi với
người thầy này. Tôi đi theo ông, không phải đến Tây Ban Nha của những
trận đấu bò tót, mà đến một Tây Ban Nha nơi có thất bại của cánh cộng
hòa, vì chính từ đó Hemingway đã thu nhận được điều tốt đẹp nhất của
cuộc đời.
Một người cậu của tôi từng chiến đấu trong Lữ đoàn Quốc tế đã vẽ
chân dung của ông như sau: “Ông biết lẽ sống của nền cộng hòa đã bị bẻ
gãy, nhưng ông vẫn ở lại với chúng ta, không phải để tiếp thêm cho chúng
ta lòng dũng cảm, cái đó chúng ta có thừa; ông đã ở lại để nhắc chúng ta
nhớ rằng chúng ta là những người đàn ông có phẩm cách và rằng cuộc
chiến chưa kết thúc trên mặt trận của Teruel hay Saragosse. Nó còn tiếp tục
ở bên kia rặng Pyrenees và Ural. Ông đã ở lại để nói với chúng ta rằng
phẩm cách là lẽ sống trên toàn cầu.”
Một buổi sáng, ở Venise, tôi đã bắt một chiếc thuyền để ra sân bay từ
rất sớm. Dạo đó là mùa đông và ánh sáng đầu ngày phủ lên thành phố
những màu sắc mờ ảo, gần như không thực. Mặt nước những dòng kênh,
phẳng như gương, như than phiền trước những vết thương mà mũi tàu vạch
ra, và đột nhiên, trong ánh phản chiếu của thành Venise còn đang say giấc
đó, tôi thấy hình bóng của một người đàn ông già nua đang nghiền ngẫm sự
im lặng của bình minh, với ông đó là cách duy nhất để chấp nhận tình yêu