- Có.
- Khẽ chứ, mày gác, tao đào.
Hai đứa rón rén mở cửa hàng rào nhà bác Tâm, lúi húi đi vào mảnh vườn
im ắng tối om.
Sáng sớm, Bích mở cửa bước ra hiên, bỗng kêu lên, dụi mắt, ngỡ mình ngủ
mơ:
- Cây mận! Đúng cây mận của bố đây rồi!
Mẹ con cái Tâm cũng chạy ra. Không ai hiểu từ đâu, phép lạ nào đã đưa
cây mận từ ga về. Mận được ai trồng xuống đất cẩn thận, gốc được xới lên
và vun bằng bùn ướt. Những nụ nhỏ đã sắp nở thành hoa, những cành cây
mảnh dẻ vươn lên mềm mại, với những chiếc lá thon xanh ngắt.
Từ bữa ấy, hôm nào cái Bích cũng tưới nước, vun gốc cho cây mận, nó
đoán mãi vẫn không biết ai đã mang cây mận về. Định thì im lặng và bắt
Biên còi cũng phải giữ bí mật. Biên còi ngứa ngáy không nhịn được, mấy
lần suýt “tiết lộ” ra.
Sang tháng ba, trời ấm dần. Bây giờ đã hết sơ tán, bố Bích chuyển công tác
về ga Hà Nội. Bác về làng Dược Hạ đón Bích ra Hà Nội học.
Bích không thể mang cây mận đi theo. Buổi Bích rời làng, Tâm, Định, Biên
còi, cô Thư và cả lớp 4B tiễn nó ra ga. Bích tần ngần đứng bên cây mận rất
lâu, nó ôm bác Tâm dân dấn nước mắt, dùng dằng mãi rồi mới xách chiếc
túi du lịch, cùng bố và các bạn đi ra ngõ…
Mấy năm qua, làng Dược Hạ nhiều nhà chiết giống mận ở vườn bác Tâm
về trồng. Cây mận ấy tuy còn ít quả, nhưng đúng như lời cái Bích nói, quả
nào cũng tím hồng, to bằng cái chén và ngọt lịm. Mọi người gọi là “mận cái
Bích”.
Cái Bích ở Hà Nội, học trong một ngôi trường to và đông, vẫn nhớ làng
Dược Hạ, nhớ lớp 4B, nhớ các bạn và cây mận. Không hiểu Bích đã đoán
ra ai mang cây mận về trong cái đêm mưa rét ấy chưa?
Mùa xuân, những con tàu đi qua chân núi Mào Gà, thấy chen dưới màu
xanh của cọ và dây lạc tiên, những cây mận nở hoa trắng xóa.