không ? " "Ủa, thì chắc như bánh men vậy". Cười, chai lì. Con Trang nể
bạn quá, nguyện ăn chay hai ngày cầu nguyện cho bạn.
Huyền và Kim Trang đồng cảnh ngộ, có ba cùng đi tù cải tạo. Gia đình
Huyền ít người, mẹ Huyền lại tần tảo hơn. Tràng đông em, mẹ bệnh hoạn
liên miên, cả nhà chỉ trông vào thùng thuốc lá đầu đường. Trang nói :
- Tự nhiên thùng thuốc lá mọc lên như nấm mùa mưa. Tại sao à ? Thì tại
người ta nguội ngắt hết trơn rồi, đốt tí lửa cho thấy mình còn chút khói.
A, con nhỏ này cũng có máu thi sĩ đấy chớ. Tụi Huyền bắt đầu cảm phục
con Trang. Mà chưa đâu, còn nữa. Thùng thuốc lá của mẹ Trang gần một
rạp chiếu bóng. Mấy chị em Trang có thêm nghề mới là bán vé chợ đen.
Trang thích nghi với hoàn cảnh nhanh chóng. Ðụng độ đủ mọi giới, thượng
vàng hạ cám, Trang ăn nói bạt mạng, cẩu thả. Chuyện gì tới miệng Trang
cũng hóa ra bông đùa.
Sơn Trà, có nước da hơi nâu, mắt đẹp, ở với mẹ cùng hai anh. Cha và hai
ông anh lớn di tản được. Mỗi lần Sơn Trà nhắc tới cha, tới anh đều hy vọng
lớn lao. Ngược lại, Thuyền Nguyệt, mẹ đi chữa bệnh ở Nhật, trước năm 75,
kẹt lại luôn. Thuyền Nguyệt ở với cha. Cảnh gà trống nuôi con này, lắm
chuyện vui buồn cười chảy nước mắt. Mà cũng chưa lâm li bi đát bằng con
bạn Phượng Hồng. Cái tên nghe rực rỡ là vậy, mà từ ngày ông bố cách
mạng trở về, gia đình xum họp, con bé có hồi muốn phát điên vì cha mẹ
chào xáo.
Hồi đó, có vở kịch đầu diễn trên ti vi, nói về anh đi cách mạng, chiến
thắng trở về gặp lại vợ. Cảnh trên ti vi chiếu. Bà vợ mở cửa, đứng cách xa
người về khoảng thước rưỡi. Người về, cố giữ khoảng cách đúng thước tấc,
mở lớn mắt. Người vợ vẫn đứng : "Anh Tú, anh đấy ư ?" Người chồng, như
trả bài : "Vâng, anh đây." Người vợ : "Anh Tú, anh đã trở về." Người chồng
: "Vâng, anh đây, anh đã trở về." Người vợ, chắc quên vở : "Anh Tú, anh
đấy ư ?" Người chồng : "Vâng, anh đây." Cứ anh đây, em đó. Con Phượng
Hồng, cũng được gặp bố đúng mùa với màn kịch, đã bỏ tới nhà Huyền nằm
một buổi. Ðang khóc, nhớ lại màn kịch trên ti vi, đối chiếu với màn kịch
gia đình, nó lại cười lăn lộn.