Ngụy làm đồi trụy xã hội, rồi vin cớ đó bắt nam nữ học riêng. Từ nay, nam
nữ được kề vai, cùng thi đua học tập đạo đức cách mạng...
Khoản nam nữ kề vai có vẻ hấp dẫn. Lớp học ồn ào hẳn lên, bọn con trai,
giọng láu cá :
- Dạ thưa cô, nam nữ cọ cọ sướng thân.
- Hả ? Em nói lớn.
- Dạ. Nam nữ thọ thọ bất thân. Ngụy có nói. Cách mạng nói nam nữ cọ...
ủa... thọ thọ tức thân. Bình đẳng hết trơn...
Cả lớp cười ồ. Tưởng có chuyện. Nào ngờ cô hiệu trưởng tỉnh khô, nhìn
xuống tên học trò láu cá :
- Phải. Luồng gió mới của cách mạng thừa sức cuốn sạch những tàn dư
Mỹ Ngụy. Nếp sống văn hóa mới sẽ rửa sạch những vết nhơ của thứ văn
hóa đồi trụy cũ.
Cô hiệu trưởng cứ thế thừa thắng xông lên. Nhưng rồi có lúc chính cô
cũng cần phải thổ lộ tâm sự, với học trò, với đồng nghiệp. Rồi, chẳng hiểu
do đâu, cả trường xầm xì.
Rằng, cô Tú cũng đã có một thời đầy mơ đầy mộng. Từ một cô bé mồ
côi, nạn nhân chiến tranh, cô được một bà dì đem vô Sài gòn nuôi, vừa cho
ăn học vừa phụ việc nhà. Cô đã cố gắng học hành, leo từng nấc thang của
cuộc đời, cho tới lúc ngồi vắt vẻo trên ghế hiệu trưởng.
Rằng, ngày xưa cô yêu màu tím Huế, cô thích tà áo dài thướt tha. Cũng
đã một thời yêu đương, lãng mạn đủ kiểu, cô cố tìm bằng được một đối
tượng hợp với tâm hồn đầy tính xã hội của mình. Nào dè, đối tượng cô
chọn được lại là một anh chàng quanh năm rượu chè bài bạc. Sở dĩ cô biết
anh chồng hư hỏng, sa đọa mà vẫn phải đèo bòng, vì cô hiểu chồng cô chỉ
là một nạn nhân của chế độ cũ.
Trong bọn ngũ long của Huyền, Kim Trang là đứa độc mồm độc miệng
nhất. Nhan sắc cô hiệu trưởng được nó mô tả thế này : Thời con gái, cô đâu
có thua ai. Chỉ tại cuộc sống thời Mỹ Ngụy tàn nhẫn quá đã làm cô phải
đau buồn, suy tư hơi nhiều. Bởi thế trán cô mới nhăn nhúm ra vậy. Lại nữa,
phải sinh đẻ nhiều, tới bảy đứa con, những đường cong kiều diễm xưa làm