Có lần đang diễn trò, Thầy Tám đi qua, liếc mắt. Thầy cố làm ra vẻ
nghiêm trang, đi thẳng một lèo. Nhưng sau đó Kim Trang huých vai Huyền
:
- Tao cá với mày mười ăn một. Ông cũng muốn lăn quay ra cười với bọn
mình mà không dám. Nhìn đuôi mắt ông, tao biết tỏng.
Thầy Tám dạy sử địa, là người cô hiệu trưởng hơi ngán. Không phải vì
thầy gốc bự, mà vì thầy thuộc bài bản cách mạng nhiều hơn cô. Mỗi khi
đụng chuyện, mở miệng là thầy vanh vách. Nào Bác Hồ nói, ngày này, nơi
kia. Nào nghị quyết Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, nào
quyết định của ban bí thư, nào pháp lệnh nhà nước. Ai ký. Ngày ký. Số
mấy. Trên ABCD ra sao. Cứ thế thầy tuôn ra. Rồi căn cứ vô đó, phải thế
vầy, thế kia. Thầy dẫn một hơi, cô hiệu trưởng đôi khi giận đến xạm mặt
mà không biết đường nào phản công, vì đụng đâu cô cũng gặp Bác Hồ, gặp
nghị quyết, pháp lệnh. Khi lên lớp, mặt mũi thầy Tám lúc nào cũng nghiêm
trang, nhắc tới Ðảng tới Bác, lúc nào giọng thầy cũng long trọng, kính cẩn.
Vậy mà chả hiểu sao, cả lớp đôi khi cười bò lăn. Học trò khoái thầy Tám,
nhất là lũ con trai phá như quỉ.
Phải rồi. Nhắc tới lũ con trai mới nhớ. Ngôi trường của bọn Huyền còn
một đổi thay động trời nữa. Trước cách mạng, đây là một trường nữ. Bây
giờ nam nữ học chung. Lớp Huyền, số học trò nam đông hơn nữ. Giải thích
sự đổi thay này, cô hiệu trưởng thuyết :
- Các em phải biết, dân tộc ta trước đây phải chịu đến ba tầng áp bức. Áp
bức của thực dân, đế quốc, áp bức của bọn vua chúa quan lại phong kiến,
rồi áp bức của giai cấp tư sản địa chủ. Riêng chị em phụ nữ, còn phải chịu
thêm tầng áp bức thứ tư. Ðó là nạn phân biệt kỳ thị nam nữ, con đẻ của giai
cấp phong kiến bóc lột. Bằng cớ sự phân biệt, kỳ thị nam nữ, chính là ngôi
trường này. Tại sao các em nữ sinh lại phải học riêng, không được sánh vai
bình đẳng cùng nam giới ? Nhờ sự lãnh đạo của "Ðảng quang vinh", dân
tộc được giải phóng. Chị em phụ nữ được giải phóng. Các em nữ sinh
trường ta cũng được giải phóng. Nam nữ bình quyền. Trước kia, bọn Mỹ