cáo chung trong nhóm năm đứa bị gọi là học sinh cá biệt. Cũng lâu rồi, vết
thương đã thành sẹo trong lòng Huyền. Từ chuyện cá biệt, sau khi đã kiểm
điểm, mổ xẻ te tua, cô sang phần lý lịch :
- Em có khai man không ? Ba em chỉ Trung úy thôi à. Khai vậy để khỏi
bị đưa ra Bắc phải không ? Ba em Trung úy mà mẹ em diện như một bà
tướng bà tá. Em vẫn không thành thật.
Không biết cô đã nhìn thấy mẹ Huyền lúc nào ? Từ sau ngày giải phóng,
bất cứ các công chuyện phường khóm, nhà trường, họp phụ huynh, mẹ
cũng để chị Thúy đi thay. Mẹ Huyền mới trên bốn chục, tóc đã muối tiêu từ
bao giờ. Bà không còn thì giờ nào ngoài việc tần tảo, chạy hàng, mua bán.
Gần nửa năm nay, mẹ Huyền lại còn đi buôn đường xa, có chuyến đi cả
tuần lễ, về tới nhà là mệt đừ với hàng hóa. Nhìn hình mẹ chụp chung ngày
có ba bên cạnh, tới hình ảnh mẹ bây giờ, Huyền không tưởng tượng nổi.
Không phấn son, không để ý tới đầu tóc, mẹ già xọp hẳn đi. Chị em Huyền
thường ôn lại vẻ hiền thục, dịu dàng của mẹ hồi đó.Áo bà ba, quần đen giản
dị, lối trang sức của mẹ từ mấy năm nay. Trong tủ áo, mẹ còn cả chục chiếc
áo dài, vài chục bộ đủ các kiểu để mặc dự những lễ lạc thời cũ. Mẹ không
hề đụng tới, cũng không hề đem bán. Lạ quá, trong nhà, đồ đạc đã bán gần
như sạch sẽ, chỉ để lại có một tủ áo, mà cũng chẳng bao giờ mặc. Mỗi lần
mở ra ngắm nghía, mẹ đều có tiếng thở dài :
- Tất cả, ba sắm cho mẹ.
Cô hiệu trưởng đã nói một chuyện sai, cô còn sai tiếp nữa :
Lối sống như thế, hẳn nhà em còn nhiều vàng để dành. Phải vài ba chục
năm, nhà em ngồi không cũng không ăn hết vàng đâu.
- Mẹ em phải đi buôn bán để nuôi ba em đi cải tạo, và chúng em.
- Hơ. Mấy bà bày vẽ chuyện ra cho có. Ngày trước mấy bà chỉ ngồi
không có người chuốt móng tay, sơn móng chân. Ngồi chỉ tay năm ngón, cả
chục thằng lính hầu. Có buôn bán là bán hột xoàn, bán vàng, những thứ nhà
nước ta cấm.
- Cô cho em biết, đây là trường học hay đồn công an ?