không, có công tác địa phương tích cực không. Nghe đó mà giữ mồm giữ
miệng, khổ lắm, nhất là cái miệng của con Thúy. Chúng mày có muốn ba
bây về sớm không ?
Tội nghiệp mẹ. Mẹ muốn ôm cái đau, cái khổ, cái hậm hực một mình.
Còn bọn Huyền là con nít. Con nít thì không được quyền đau, quyền nhục.
Chỉ có chị Thúy, nghe chuyện cô hiệu trưởng hạch xách Huyền, chị nóng
nảy :
- Nếu là con, chưa chắc con nói nhẹ như con Huyền. Tới đâu thì tới chứ.
- Tới đâu nữa. Chưa đủ sao con ơi.
- Mà mẹ cho con mụ làm gì nhiều thứ quá vậy. Ăn quen rồi đòi hoài cho
mà coi. Ðể con tới con hỏi con mụ... cái đồ ba mươi tháng tư....
- Mẹ lạy con, Thúy ơi. Con thương ba con đang tù tội. Con có muốn ba
con sống sót mà trở về không nào ?
Chị Thúy bấu hai tay vào đầu tóc. Tóc chị xổ tung :
- Con chỉ muốn đi. Con không thể ở lại... không thể. Con Huyền không
học thì nghỉ, làm gì mà...
- Nghỉ sao được. Ði lao động, đi thủy lợi. Con đã nếm mùi thủy lợi rồi.
Con không thương em sao ?
Mùi thủy lợi chị Thúy đã lãnh đủ, lãnh kỹ tới độ nhập vào tim phổi, dạ
dày, ho ra cả hơn năm nay chưa hết. Ho tới viêm phổi. Ho gần tiêu cả số
tiền dành dụm của mẹ. Thuốc thang hiếm hoi, chị Thúy lại vừa chữa bệnh
vừa nuôi bệnh. Nhờ cuốn sổ cấp thuốc của bệnh viện Hồng Bàng, mà gần
năm nay, chị mới tạm thoát được thủy lợi.
- Thôi, thà bệnh lao mà chết, còn hơn phải rơi lại vô cái địa ngục khủng
khiếp ấy. Nhắc tới nó, tao còn nổi gai ốc.
Chị hay than thở vậy với chị Xuân, bạn thân nhất của chị. Chị Xuân, mới
giải phóng xong, dựng một quầy bán cà phê ở khu trường luật. Hết vốn,
bán bánh cuốn. Hết bánh cuốn, quay qua bán bún riêu. Ðến lúc phải dọn
dẹp sạch sẽ đường phố, chị Xuân chạy hàng, mua lại nhu yếu phẩm của
mấy anh bộ đội, cán bộ công nhân viên. Chị Xuân gánh một gia đình đông