- Lý do triệu tập hội đồng, tôi đã nói rõ. Cho nên, trên sở đã đề ra, mỗi
lớp có một chủ nhiệm đứng lớp. Ðứng lớp. Phải hiểu rõ ý nghĩa thật chính
xác mới rõ được trách nhiệm mình, chả hạn như hai em học sinh, đánh lộn
với nhau, gây mất trật tự bên ngoài nhà trường, cũng là trách nhiệm của chủ
nhiệm. Tôi nói một ví dụ như là hai em không đánh nhau ngoài đường mà
đánh nhau trong lớp, sẽ thiệt hại bàn ghế phòng ốc cơ sở trường, chưa nói
thiệt hại nhân mạng, gây nạn hại lao động... Thầy Hân hồi nãy nói thầy
không chịu trách nhiệm con em học sinh khi về nhà hoặc ở ngoài đường,
vậy là thầy chưa có tinh thần trách nhiệm. Bố mẹ các em là nhân dân, là
cán bộ nòng cốt của xã hội có yên tâm phục vụ đất nước, tổ quốc thân yêu
được hay không, là có thể tin được con em mình đã gửi vào tay những giáo
viên nhiệt... liệt... à nhiệt... thành, có cơ sở đạo đức cách mạng.
- Tôi có ý kiến.
- Im. Tôi là hiệu trưởng, tôi là lãnh đạo. Tôi đang nói thì không được
ngắt nhời.
- Nhưng chị nói toàn là lời buộc tội vu vơ. Tôi muốn chứng minh.
- Tôi phải sửa sai thầy một lần nữa. Thầy là một nhà giáo đã không biết
nghiêm chỉnh, tiếp thu ý kiến lãnh đạo, còn quanh co bạo biện mà lại dùng
chữ nghĩa sai trái. Người ta chỉ dùng chữ chứng minh như là để làm chứng
minh nhân dân chẳng hạn vậy. Thầy hiểu chưa ? Một thầy giáo mà không
nắm vững, không có cơ sở. Tôi phải công nhận rằng thầy cô giáo ở miền
Bắc nắm vững đường lối hơn. Họ luôn luôn tự đấu tranh với bản thân mình,
phấn đấu trong công tác. Riêng thầy Hân, tôi thấy thầy nặng tinh thần cá
nhân chủ nghĩa, tàn dư Mỹ ngụy, ngoan cố, không xứng đáng lãnh trách
nhiệm giáo dục con em...
- Chị không nên chụp mũ vu cáo như vậy.
- Im. Ai cho mày cãi tao.
Tao. Mày. Cả chừng đó thầy cô, như vừa từ trên trời rớt xuống. Sửng sốt,
chưng hửng. Thầy Tám cúi đầu. Cô Hiền méo miệng. Thầy Lương vội vàng
ghi ghi chép chép. Cô Năm dấu nụ cười nhớ mối thù hồi thầy Hân còn làm
hiệu phó, đã về phe với cô Tú, bác đơn xin mở căng-tin. Không biết thầy