thêm chị Dung Chi và giữa hai con búp bê, em sẽ nhường cho búp bê của
nhỏ Thu Mai làm búp bê chị. Những ngày chủ nhật, sẽ không còn một mình
em xuống chơi dưới cô nhi viện nữa. Mà còn thêm nhỏ Thu Mai. Em sẽ
dẫn nhỏ ấy đến phòng em, giường em trước kia. Chỉ cho nhỏ ấy xem hàng
chữ giường của Trần Nguyễn Dung Chi, em viết bằng bút nguyên tử dưới
chân giường. Em sẽ dẫn nhỏ ấy cùng ra chơi cầu tuột với nhỏ Chung, để
cười thật vui mỗi lần nhỏ Chung tuột hết cầu, xuýt xoa: "Úi cha, đau chân
quá", hoặc "cầu tuột gì ngắn ngủn".
Chị Hương sai em:
- Đi lấy ly nước lọc cho Thu Mai nó uống thuốc Dung Chi!
Em đi xuống bếp lấy nước. Trong trí em vẫn còn lưu lại những hình ảnh
vừa qua. ừ nhỉ, biết đâu hồi nhỏ Thu Mai chơi với mình rồi, chị Uyên và
chị Hương cũng không còn ghét mình nữa. Mình sẽ viết cho anh Ân một lá
thư kể rõ mọi chuyện. Chắc đọc đến đoạn mình kể chị Uyên đã biết thương
mình, anh ấy phải mừng lắm.
Nhưng rồi một tuần lễ đi qua, bệnh của nhỏ Thu Mai không thuyên giảm
chút nào. Suốt ngày, nhỏ lăn lộn mê man. Đôi lần, nhỏ lên cơn sốt, nói
sảng, ném tung chăn đắp, giựt rách cả mùng.
Buổi sáng là thời gian nhỏ còn tỉnh đôi chút. Nhỏ đòi ăn nọ kia. Nhưng bác
sĩ cấm, bảo rằng bệnh của nhỏ ấy không được ăn đồ ăn cứng, nhất là trái
cây xanh.
Ba nuôi em lo lắng cho nhỏ Thu Mai đến bỏ ăn mất ngủ. Em nhớ lại những
ngày bình thường, người rất ít khi săn sóc đến con cái, thế mới biết, chẳng
cha mẹ nào không thương con. Có điều tình thương của người cha không
bộc phát đậm đà bằng của người mẹ, tình thương này chỉ mãnh liệt mỗi khi
có dịp.
Anh Ân được tin, viết thư hỏi thăm và hẹn nếu anh thu xếp công việc ngoài
Đà Lạt xong xuôi, anh sẽ vào thăm nhỏ Thu Mai. Em kể cho nhỏ Thu Mai
biết, nhỏ ấy tỏ vẻ vui mừng lắm. Nhỏ nhắn em viết thư lên nói với anh Ân
là nếu có xuống, nhớ làm quà cho nhỏ ấy ít hoa pensec ép, để khi đi học,
nhỏ ấy khoe bạn bè.
Em nghe nỗi vui mừng tràn ngập khi nhỏ Thu Mai đã không còn những lời