“Tao là Palestina”, ả đáp. “Tao không có sự lựa chọn”.
“Cô sai rồi. Cô có sự lựa chọn”.
“Tao biết mày đang làm gì”, ả nói. “Mày đang cố gắng lung lạc tao với
câu chuyện về cái chết và tự sát. Mày nghĩ mày có thể làm thay đổi lý tưởng
của tao, làm tao nhục chí”.
“Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ mơ tới điều đó. Chúng ta đã đi cùng
với nhau trong một thời gian khá dài. Tôi biết cô rất can đảm và hiếm khi
nhụt chí. Tôi chỉ muốn biết lí do: Tại sao cô ở đây? Tại sao cô không lấy
chồng, sinh con, và chăm sóc gia đình như mọi người phụ nữ khác? Tại sao
cô không sống cuộc đời của mình?”.
Một nụ cười nữa xuất hiện, lần này mang vẻ chế nhạo. “Đúng là người
Do Thái”, ả nói. “Các người nghĩ rằng các người độc chiếm sự đau khổ.
Các người nghĩ các người là trung tâm hứng chịu mọi nỗi đau của nhân
loại. Cuộc Holocaust – tai ách diệt chủng – của dân tộc tao cũng thật như
của các người, nhưng các người khăng khăng phủ nhận nỗi đau khổ của dân
tộc tao nhằm che đậy tội lỗi của các người. Các người nói rằng những
thương tích của dân tộc tao là do chúng tao tự gây ra”.
“Vậy hãy kể cho tôi nghe câu chuyện của cô”.
“Câu chuyện của tao là câu chuyện về một Thiên Đường đã mất. Đó là
câu chuyện về một dân tộc lương thiện bị thế giới tự nhận là ‘văn minh’ ép
buộc giao nộp đất đai của mình để những người Thiên Chúa giáo đỡ bị mặc
cảm tội lỗi về tội ác diệt chủng mà họ đã gây ra”.
“Không, không”, Gabriel ngắt lời. “Tôi không muốn một bài tuyên
truyền. Tôi muốn nghe câu chuyện của cô. Cô từ đâu đến?”.
“Một trại tị nạn”, ả đáp, rồi thêm vào: “một trại tị nạn ở Libăng”.
“Gabriel lắc đầu. “Tôi không hỏi cô được sinh ra ở đâu, hay cô lớn lên ở
đâu. Tôi hỏi quê quán của cô ở đâu”.
“Quê hương tao là Palestine”.