ở Phần Lan. Vấn đề hóc búa, nhưng kho kiến thức tổng hợp của tôi cho
phép tôi nói mọi chuyện một cách dễ dàng. Nhưng sau một lúc, tôi nhận
thấy Nemur khó chịu vì tôi được chú ý quá mức.
Khi một bác sĩ trẻ hấp dẫn từ Đại học Falmouth nhờ tôi giải thích các
nguyên nhân gây ra chứng thiểu năng của tôi, tôi bảo với cô rằng giáo sư
Nemur sẽ là người trả lời vấn đề này.
Đây đúng là cơ hội ông ta đang chờ đợi để thể hiện quyền lực của mình,
lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi biết nhau đến giờ, ông ta đặt tay lên vai tôi.
“Chúng tôi biết đích xác điều gì gây ra chứng phenylketonuria mà Charlie
mắc phải từ lúc còn bé – một trạng thái sinh hóa hoặc gene bất thường nào
đó, có thể là phóng xạ ion hóa hoặc phóng xạ tự nhiên, hay thậm chí là
virus tấn công trong bào thai – dù gì đi nữa thì nó cũng gây ra một gene lỗi.
Gene này sản sinh ra cái mà chúng ta gọi là “enzyme vô tổ chức”, tạo nên
những phản ứng sinh hóa lỗi. Và tất nhiên, các loại acid amin mới sản sinh
ra sẽ cạnh tranh với các ezyme bình thường làm não bị tổn thương.”
Cô gái cau mày, cô không mong được nghe cả một bài diễn thuyết,
nhưng Nemur đã giành thế chủ động và tiếp tục thao thao bất tuyệt: “Tôi
gọi nó là hiện tượng ức chế cạnh tranh của các enzyme. Để tôi ví dụ cho cô
rõ về cơ chế hoạt động của nó. Hãy hình dung ezyme lỗi do gene tạo ra là
một chiếc chìa khóa sai đút vừa ổ khóa hóa học của hệ thần kinh trung ương
nhưng không vặn được. Nhưng vì nó nằm đó nên chiếc chìa khóa đúng –
ezyme bình thường – không thể nào lọt vào ổ khóa được. Nó bị mắc kẹt.
Kết quả là gì? Các protein trong tế bào não bị phá hủy vĩnh viễn không khôi
phục lại được.”
“Nhưng nếu không khôi phục lại được,” một nhà tâm lý học khác trong
đám khán giả cắt ngang, “vậy thì làm thế nào mà… ngài Gordon lại ở đây,
không còn chút thiểu năng nào nữa?”