Hai ngày sau, lúc gần trưa, Địch Nhân Kiệt cùng phụ tá đã tới ranh giới tỉnh
Sơn Đông. Cả hai ăn trưa ở đồn lính, đổi ngựa rồi tiếp tục đi về phía đông,
men theo đường lớn đến Bồng Lai. Con đường này xuyên qua một vùng đồi
núi và rừng rậm.
Tri huyện mặc một tấm áo đi đường màu nâu giản dị. Quan phục và một ít
vật dụng cá nhân được gói ghém trong hai tay nải lớn treo hai bên yên ngựa.
Vì đã quyết định để hai người vợ cùng con cái chuyển tới sau khi ông ổn
định ở Bồng Lai, nên Địch Nhân Kiệt mới có thể di chuyển thảnh thơi như
vậy. Gia đình ông sẽ đưa đám gia nhân và các tài sản khác theo xe ngựa có
tán che tới sau. Lão phụ tá của ông, Hồng Lượng, đang giữ hai món đồ quý
giá nhất của quan tri huyện là thanh kiếm Long Vũ uy chấn thiên hạ, vốn là
bảo vật gia truyền của Địch gia. Bảo vật còn lại là bộ sách cổ về án lệ và
truy án quy chuẩn, đã được thân phụ của ông chính tay chấp bút với rất
nhiều chú thích tỉ mỉ bên lề thuở người còn đương chức trong triều.
Hồng Lượng là quản gia cho nhà họ Địch từ hồi còn ở Thái Nguyên, lão đã
chăm nom Địch Nhân Kiệt từ tấm bé. Về sau, khi Địch Nhân Kiệt chuyển
tới kinh thành sinh sống và lập gia thất, lão quản gia trung thành cũng theo
chân. Lão giỏi việc tề gia, đồng thời cũng là phụ tá tâm phúc của Địch công
tử. Bây giờ, lão lại nhất quyết đi cùng tới Bồng Lai vào lần đầu chủ nhân
làm quan phụ mẫu ở địa phương.
Để mặc ngựa chạy nước kiệu, tri huyện xoay mình trên yên ngựa nói, “Này
lão Hồng, nếu trời cứ khô ráo thế này thì chắc tối nay chúng ta sẽ tới kịp khu
đồn trú Yên châu. Sáng sớm mai chúng ta có thể đi tiếp từ đó, đến buổi
chiều là tới được Bồng Lai.”
Lão Hồng gật đầu. “Chúng ta sẽ yêu cầu Tổng binh Yên châu sai người hỏa
tốc đến báo cho nha phủ Bồng Lai rằng ta sắp tới và…”
“Chúng ta sẽ không làm như vậy, lão Hồng à!” Địch tri huyện ngắt lời.
“Viên lục sự đang tạm quyền cai quản sau khi cố huyện lệnh bị sát hại đã