“Thôi được rồi,” Địch Nhân Kiệt nói, “hai trợ thủ của ta vốn là những tay
thợ săn lão luyện, hôm nào ta sẽ lệnh cho họ đi diệt con cọp đó. Giờ rót cho
ta một chén trà nóng rồi tập trung vào việc chính sự đi.”
Sau khi lão Đường châm trà rồi dâng lên, Địch Nhân Kiệt nhận lấy chén,
hào hứng nhấp vài ngụm. Đoạn ông ngồi xuống chiếc ghế tựa và hỏi, “Ta
muốn nghe nội tình từ chính miệng ngươi. Vụ án được phát hiện như thế
nào?”
Giật giật chòm râu, lão Đường dè dặt nói, “Dạ thưa, ngài cố huyện lệnh vốn
là một bậc chính nhân quân tử hào hoa phong nhã và uyên bác. Có đôi lúc
Vương đại nhân khá vô tâm và dễ mất kiên nhẫn với những thứ vụn vặt,
nhưng ngài ấy lại rất thấu đáo đối với những chuyện đại sự, lại cực kỳ chính
trực. Ngài ấy trạc ngũ tuần, là người từng trải và giàu kinh nghiệm. Một
huyện lệnh có tài, thưa đại nhân.”
“Ngài ấy,” Địch Nhân Kiệt thắc mắc, “có gây thù chuốc oán với kẻ nào
không?”
“Bẩm quan, không thể có chuyện đó!” Lão Đường la lên. “Ngài ấy là một vị
quan liêm khiết, chính trực và rất tinh tường, luôn được dân chúng yêu mến.
Thưa đại nhân, thuộc hạ dám khẳng định rằng Vương huyện lệnh được bách
tính trong cả huyện này sùng bái, thật sự ngài ấy rất được ái mộ ạ.”
Thấy Địch Nhân Kiệt gật gù, lão mới dám tiếp tục, “Bẩm quan, cách đây hai
tuần, khi trời còn tờ mờ, quản gia của cố huyện lệnh đến gặp thuộc hạ tại
chánh đường để báo rằng chủ nhân mình không ngủ ở hậu viện suốt đêm
hôm qua, còn cửa thư phòng ngài ấy thì bị khóa trái từ bên trong. Thuộc hạ
biết ngài ấy thường hay đọc văn tự và ghi chép ở thư phòng đến quá nửa
đêm canh ba, nên chỉ cho là ngài ấy ngủ quên bên chồng sách. Thuộc hạ liên
tục gõ cửa mà không nghe thấy động tĩnh gì từ bên trong. Sợ rằng Vương
huyện lệnh có thể bị cảm phong, thuộc hạ vội gọi bộ đầu đến phá cửa xông
vào.”