Lão Đường nuốt nước bọt, miệng mím chặt. Sau một hồi, lão lại lên tiếng,
“Thưa, Vương huyện lệnh lúc ấy nằm sõng soài dưới sàn, ngay phía trước
bếp pha trà, đôi mắt mờ đục nhìn trừng trừng lên trần nhà, tay phải rướn về
phía một chén trà đang nằm lăn lóc trên thảm. Cảm nhận được thân thể ngài
ấy đã lạnh ngắt, thuộc hạ lập tức vời quan ngỗ tác đến. Ông ấy thông báo
rằng Vương huyện lệnh đã chết vào khoảng nửa đêm. Ông ấy còn lấy cả một
mẫu trà sót lại trong ấm để…”
“Ấm trà lúc đó được đặt ở đâu?” Địch Nhân Kiệt cắt ngang.
“Bẩm quan, ấm trà nằm trên cái tủ đặt ở góc trái ạ,” lão Đường đáp, “kế bên
bếp pha trà bằng đồng dùng để đun nước. Ấm trà lúc ấy hãy còn đầy. Quan
ngỗ tác rót cho con chó uống thử một ít, nó liền lăn đùng ra chết. Ông ấy
hâm nóng trà, rồi qua mùi hương bốc lên đã xác định được trong trà có độc.
Thế nhưng ông ấy không thể kiểm tra nước trong ấm đun vì nó đã bị nấu cạn
mất rồi.”
“Vậy người nào thường mang nước pha trà vào phòng?” huyện lệnh hỏi.
“Bẩm đại nhân, là ngài ấy tự mình đi lấy,” lão lập tức đáp. Thấy Địch Nhân
Kiệt nhướn mày, lão vội giải thích, “Thưa, Vương huyện lệnh vốn nhiệt tâm
sùng kính trà đạo và rất kĩ tính mỗi khi pha trà. Ngài ấy nhất định phải tự tay
gánh nước từ cái giếng trong sân viện, rồi tự mình đun nước trên bếp ngay
trong thư phòng. Bộ ấm chén cùng hộp đựng trà đều là vật cổ vô giá được
ngài ấy giữ gìn vô cùng cẩn thận trong chiếc tủ bên dưới bếp pha trà. Thuộc
hạ cũng lệnh cho quan ngỗ tác xét nghiệm cả lá trà trong hộp đựng nhưng
chúng thực không có độc.”
“Rồi sau đó ngươi xử trí ra sao?” Địch huyện lệnh hỏi.
“Bẩm quan, thuộc hạ lập tức chuyển tin hỏa tốc đến kinh thành, sau đó cho
người chuyển thi thể vào một chiếc quan tài tạm bợ, đặt nó trong sảnh trước
hậu viện. Sau đó thuộc hạ niêm phong thư phòng lại. Vào ngày thứ ba thì
một viên quan khâm sai do kinh thành phái tới đã đến nha phủ. Vị đại nhân