Phượng Tri Vi đưa hai tay ra nhận, thật sự nghiêm túc chiêm ngưỡng
tay nghề của mẹ chồng mình.
Càng xem càng kính ngưỡng, càng xem càng muốn vái lạy.
Màu hồng phấn, làm bằng tơ lụa, đính lên vô số trân châu, thoạt nhìn
rậm rạp như lông nhím, trên ngực trái thêu “ắt phải dâng trào”, ngực phải
thêu “nhất định nhô lên”, chữ viết như gà bới, nhưng kỹ năng thêu lại kinh
người. Giở xuống lớp bên trong, nhuốm màu vàng nhạt lốm đốm, vậy mà
cũng có chữ, bên trái là “Mẫu Đơn”, bên phải là “Khố Khố”, chính giữa là
một hoa văn hình thoi tuyền một màu đỏ, Phượng Tri Vi mất một lúc mới
mơ hồ đoán ra – đây lẽ nào là một bờ môi đỏ thắm?
Quả đúng là một bộ ngực tuyệt thế vô song độc nhất vô nhị lên trời
xuống đất khiến người chấn động xuất thần nhập hóa …
“Có đẹp không?” Lưu Mẫu Đơn hai mắt sáng bừng, tha thiết nhìn
Phượng Tri Vi chằm chặp.
“Đẹp.” Phượng Tri Vi thành khẩn nói, “Đã có lời lẽ hào sảng khí thế
trầm hùng, lại có rủ rỉ thân mật triền miên lưu luyến, còn kiêm trân châu
rạng rỡ, môi đỏ diễm lệ, khiến người ta ‘thương thời hoa để lệ tuôn, sợ
ngày ly biệt chim buồn thấu tim’(*).”
(*)Hai câu thơ trong bài Xuân vọng của Đỗ Phủ.
“Cổ nhân các người … Người Trung Nguyên ai cũng thích văn hoa, ta
nghe không hiểu.” Lưu Mẫu Đơn mặt mày rạng rỡ, vỗ mạnh lên tay
Phượng Tri Vi. “Nhưng ta biết con rất kính nể ta, ây, rõ thật là, đã bao
nhiêu năm, chỉ có con là biết tài hoa kinh thế đã bị mai một của ta …
Hoàng đế quả nhên có con mắt tinh tường, tuy ngoại hình con hơi còi cọc
một chút, không tiện phô ra cho lắm, nhưng nhân phẩm con rất khá, ta
thích.”