Thiên Thịnh bấy giờ là quốc gia lớn nhất thiên hạ, cương vực phía
Nam trải dài đến vùng biển Kim Sa, đảo quốc vùng biển cúi đầu xưng thần;
miền Bắc tới rặng núi tuyết Hô Trác Cách Đạt Mộc, khiến Hô Trác Thập
Nhị Bộ ngạo mạn hung dữ phải thu nanh vuốt; phương Đông nhìn xuống
cao nguyên Túc Thương với đàn dê chăn thả rải rác nghìn dặm như sao sa;
phía Tây khống chế cổ đạo Xương Hà, những lái buôn tóc vàng mắt xanh
từ dị vực vẫn thường gõ vang cổng thành.
Từ Nam chí Bắc, khoái mã ruổi vó, cũng khó đi hết trong vòng một
năm.
Đất nước cường thịnh trải dài mênh mông này, khởi nguồn từ sáu trăm
năm tích lũy của hoàng triều Đại Thành. Thần Anh Hoàng hậu Mạnh Phù
Dao của hoàng triều Đại Thành một mình đi một lối, xuất thân là nữ đế, lấy
giang sơn làm sính lễ. Bà và Hoàng đế khai quốc Đại Thành kinh tài tuyệt
diễm được người đời xưng tụng là tuyệt đại đế lữ, hai người cầm sắt giao
hòa, cùng nắm quyền xử lý quốc sự. Trong thời gian tại vị, hai người đã
phát triển công thương, mở mang cảng biển, cài cách tiền tệ, tối ưu hóa chế
độ quan lại, phổ cập giáo dục, khuyến khích nghề nông, giúp quốc lực tiến
triển như vũ bão, vươn lên thành quốc gia lớn nhất thiên hạ.
Nhưng xưa nay có giang sơn nào xây bằng thép, sau khi Đại Thành
thống nhất thiên hạ đã trải qua sáu trăm năm, ba mươi hai đời vua, thời kì
đầu chủ yếu là minh quân, nhưng sau đời thứ mười chín thì dòng dõi sa sút,
người trong nước không ngừng phần tranh, quốc lực dần dần hao mòn từ
bên trong đến đời Lệ đế thứ ba mươi càng siết chặt bế quan tỏa cảng, cuối
cùng qua hai đời nữa cũng mất vào tay ngoại thích Ninh thị.
Sau khi lập nên hoàng triều Thiên Thịnh, Ninh thị tăng cường quyền
lực của trung ương kéo rộng chênh lệch giai cấp, gia tăng thu thuế từ các
cửa ải, kiểm soát thông thương với nước ngoài. Do nội bộ tranh giành
quyền lực gay gắt nên sự khống chế của triều đình đối với ngoại phiên cũng
thua xa Đại Thành năm xưa. Hoàng triều Thiên Thịnh bây giờ tuy thịnh