Georgy biết hối lỗi như vậy, Amelia bằng lòng lắm. Đôi mắt cô nhìn
Dobbin sáng lên đặc biệt khác hẳn mọi lần.
Dobbin thấy hình như Amelia nhìn mình xong hơi đỏ mặt thì phải.
Thằng Georgy không ngớt lời ca tụng Dobbin với mẹ. Nó nói:
- Má ạ, con yêu bác lắm, vì cái gì bác cũng biết; mà bác khác hẳn ông
Veal. Má có biết không, ông Veal lúc nào cũng hay huênh hoang nói tràng
giang đại hải. Bọn học trò chúng nó gọi ông ấy là,ông “Dài dòng văn tự”;
con đặt tên cho ông ấy đấy; tên hay không má? Bác Dob nói tiếng La-tinh
thạo như tiếng Anh, nói tiếng Pháp cũng giỏi như thế, lúc đi chơi, bác chỉ
nói chuyện về cha con, không nói chuyện về bác bao giờ. Thế mà ở nhà
ông nội, con nghe thấy đại tá Buckler nói chuyện rằng bác Dob là một
trong số những sĩ quan dũng cảm nhất trong quân đội, đã từng lập nhiều
chiến công lắm. Ông nội con ngạc nhiên quá bảo thế này: “Cái anh chàng
ấy à? Tôi cứ nghĩ gà gáy to anh ta cũng sợ”. Chắc không đúng, phải không
má?
Emmy cười; cô cũng tin rằng Dobbin là một sĩ quan dũng cảm. Nếu giữa
thằng Georgy và anh chàng thiếu tá có một tình yêu thương thành thực, thì
cũng cần phải nói thẳng là nó đối với ông bác của nó, lại không có chút
cảm tình nào. Thằng bé học được cách phồng má thở phì phò, móc ngón
tay vào túi áo gi-lê mà nói: “Lạy chúa tôi không phải rồi!…” hệt điệu bộ
của Joe, làm cho không ai nhịn được cười. Đến bữa ăn, hễ sai người hầu lấy
thứ gì còn thiếu trên bàn, thằng bé lại đóng trò như vậy; bọn đầy tớ phá ra
cười với nhau. Dobbin thấy thế cũng phải mím môi mới nhịn được cười;
Dobbin phải mắng nó, và mẹ nó phải xin nó mãi, thằng bé mới không bắt
chước điệu bộ của Joe ngay trước mặt anh ta. Joe mang máng cảm thấy
rằng thằng cháu trai coi mình không hơn một con lừa, thích tìm cách lôi
mình ra làm trò cười; tự nhiên anh ta đâm ra nhút nhát, và dĩ nhiên khi có
mặt Georgy anh càng làm ra vẻ long trọng bệ vệ hơn nữa. Hôm nào biết tin
Georgy đến phố Gillespie dùng cơm với mẹ, thường thường Joe nói là đã
có hẹn trước ở câu lạc bộ không ăn ở nhà được. Có lẽ không ai buồn lắm vì
thiếu mặt anh ta.