bình thường thì đôi mắt ấy không có chút ánh sáng nào, như đã quá chán
ngán vì phải nhìn mãi cuộc sống mà hương nhụy là bao nhiêu lạc thú và vẻ
đẹp mỹ miều nhất đã bị lão già mệt mỏi và bỉ ổi này hút hết cả rồi.
Chiếc xe lao vút qua trước mặt hai người. Rebecca đứng núp sau một
lùm cây còn ghé mắt nhòm theo. Fiche tiên sinh thì thầm với cô ta:
- Hầu tước sẽ không bao giờ quên được câu chuyện đêm qua, không bao
giờ đâu. Becky nghĩ thầm:
- Âu cũng là một điều đáng an ủi.
Không biết lão hầu tước có ý định giết Rebecca như lời Fiche tiên sinh
nói không? Nhưng tên tay sai không muốn phải dùng đến thủ đoạn giết
người, hay là hắn chỉ có nhiệm vụ đe dọa Rebecca, cất buộc cô ta phải rời
bỏ thành phố La Mã, vì lão chủ có ý định lưu lại đây qua mùa đông, và vì
nhìn thấy mặt cô ta, lão càng đâm bực mình. Điều này không ai có thể nói
chắc được. Chỉ biết rằng lời đe dọa ấy có hiệu lực; người đàn bà xảo quyệt
ấy không còn dám tìm cách mon men đến ra mắt ông chủ cũ nữa. Còn
Fiche thì sau khi hầu tước Steyne chết, hắn quay về sống tại quê nhà, rất
được mọi người kính trọng, vì hắn đã mua được cái danh vị nam tước Ficci.
Mọi người hẳn còn nhớ cái chết đáng tiếc của nhà đại quý tộc.
Ngài tạ thế tại Naples hai tháng sau khi cuộc đại cách mạng Pháp năm
1880 nổ ra. Tin cáo phó đăng trên báo như sau: “Ngài George Gustavus tôn
kính, hầu tước Steyne, bá tước Gaunt, chúa lâu đài Gaunt, tước đại quan Ai
len, tử tước Hellborough, nam tước Pitchley và Grillsby, tước tùy giá hiệp
sĩ, bội tinh “Lông cừu vàng” Tây-ban-nha, đệ nhất đẳng bội tinh Saint
Nicholas Nga, bội tinh “Mặt trăng khuyết” Thổ Nhĩ Kỳ, tước Thị vệ đại
thần, Đại tá chỉ huy trung đoàn dân vệ trực thuộc Hoàng tử nhiếp chính, ủy
viên quản trị Hàn lâm viện Hoàng gia, ủy viên quản trị trường đại học
“Tam vị nhất thể” và học viện “Dòng tu sĩ áo trắng”… đã tạ thế vì bị xúc
động quá mạnh trước sự sụp đổ của Hoàng gia nước Pháp”.
Một tờ tuần báo dành riêng một mục kể lại bằng những lời xưng tụng
hùng hồn đức tính, tài năng, sinh hoạt huy hoàng và những việc làm cao