Trích đoạn 13.
Thế kỷ 11
Tô Đông Pha
1036-1101
SỰ HƯNG KHỞI CỦA PHÁI VĂN NHÂN HỌA
[Đến đây, chúng ta sắp được chứng kiến sự hưng khởi của phái Văn Nhân
trong hội họa do ảnh hưởng của Tô Đông Pha, một trong những văn nhân
và thi nhân vĩ đại nhất của Trung Quốc. Họ Tô là một thiên tài đa dạng,
động vào lĩnh vực nào là làm cải biến lĩnh vực ấy. Lối vẽ “văn nhân” cũng
còn được gọi là lối vẽ “hiển ý”, có nghĩa là diễn đạt cái ý tưởng của mình.
Do vậy, lối vẽ này rõ ràng là lối mà phương Tây gọi là “expressionist”, tức
là trường phái “biểu hiện”. Nét đặc trưng của lối vẽ này là rất kiệm nét, vẽ
rất nhanh, và bố cục đơn giản, chẳng hạn như chỉ vẽ một nửa cành hoa,
hoặc một hai cây trúc mọc cạnh một tảng đá sơ sài. Ta không nên lẫn lộn lối
vẽ này với cái thường được gọi là lối vẽ của Nam Phái, mặc dầu nói chung
hai lối vẽ này đều có tinh thần giống nhau trong quan hệ mật thiết của
chúng với thư pháp, trong bút pháp tự do và có nhịp điệu, cũng như trong
cách chọn những chủ đề có thi tứ và thiên về thôn dã hơn đô thị. Thuật ngữ
Nam Phái, do Đổng Kỳ Xương đưa ra vào cuối những năm 1600, có hàm ý
rất rộng và đã được dùng để chỉ phong cách của hầu hết các danh họa cổ
điển, chỉ trừ có Lý Tư Huấn, Hạ Khuê và Mã Viễn và những đồ đệ Bắc Phái
của họ. Thực ra Nam Phái và Bắc Phái khó có thể phân biệt ra cho rõ ràng.
Cứ nhìn những nét bút đầy nhịp điệu của Mã Viễn thì thấy ông cũng chẳng
khác gì Nam Phái.
Có lẽ nên gọi phong cách Nam Phái là phong cách “ấn tượng”
(impressionist), theo nghĩa “Tân ấn tượng” (Neo-impressionist) của hội họa
Pháp thì đúng hơn; còn phong cách đối lập thì gọi là cổ điển, như của thời
Phục Hưng bên phương Tây vậy. Trường phái Văn Nhân Họa thì giống như
trường phái “biểu hiện” (expressionist). Theo nghĩa này thì Vương Duy là
người “sáng lập” ra trường phái ấn tượng, tức là Nam Phái, còn Ngô Đạo
Tử là người sáng lập ra phái biểu hiện. Cả hai đều sống trong thế kỷ 8 đầy