Thuyên xin phép đem bức tranh về nhà nghiền ngẫm nhiều ngày rồi biết
rằng mình không thể chữa nó được. Ông bèn vẽ một bức chân dung Chung
Quỉ khác đang móc mắt quỉ sứ bằng ngón tay cái. Vẽ xong, ông đem cả hai
bức đến cho nhà vua. Vua hỏi: “Ta chỉ bảo ngươi chữa nó, sao lại vẽ cái
khác?” Hoàng Thuyên đáp, “Trong tranh của Ngô Đạo Tử, toàn bộ thân thể
của Chung Quỉ, từ vẻ mặt, tư thế và sức vóc đều tập trung hết vào ngón trỏ
kia chứ không phải vào ngón cái. Tôi không thể chữa điều đó được. Cho
nên đành liều chết vẽ cái khác, không dám mong bằng được bậc tiền bối,
nhưng dám tưởng đã vẽ cho tất cả sức lực toàn thân của Chung Quỉ này đều
đã tập trung được vào ngón cái vậy.” Nhà vua càng nhìn tranh càng khâm
phục, bèn tặng ông gấm vóc và đồ vàng bạc để tỏ lòng ngưỡng mộ.
[Nhẽ ra nên có thêm tài liệu về hội họa của thời kỳ sau Quách Nhược Hư,
đặc biệt là về các họa sỹ của Họa Viện đời Nam Tống. Tác giả Đặng Thuần
có làm được điều này trong sách Họa Chí viết vào cuối thế kỷ 12, nhưng cả
những ý kiến chung chung cũng như vài chi tiết nhỏ nhặt về cuộc sống của
các họa sỹ cung đình trong Họa Viện đều không đáng dịch. Ngay cả sách
Tống Triều Minh Họa Chí của Lưu Đạo Thuần, cùng thời với Quách Nhược
Hư, cũng vậy mà thôi.]