So sánh Đường và Tống
Có người sẽ hỏi so sánh xưa nay thì thế nào. Ta xin nói như sau:
Họa sỹ ngày nay [đời Tống] không thể so với họa sỹ ngày xưa [đời
Đường và trước nữa] về nhiều phương diện nhất định, nhưng lại vượt trội ở
các phương diện khác. Về tranh vẽ các nhân vật Phật giáo và Đạo giáo,
chân dung người, vẽ trâu bò và ngựa, thì nay không thể bằng xưa. Nhưng về
phong cảnh, hoa, cây, côn trùng và cá, thì xưa lại không bằng nay. Để ta nói
rõ thêm. Về chân dung thì tranh của Cố Khải Chi (thế kỷ 4), Lục Thám Vi
(thế kỷ 5), Trương Tăng Dụ (thế kỷ 6), anh em nhà họ Diêm (Lập Bản và
Lập Đức, thế kỷ 7) và Ngô Đạo Tử (thế kỷ 8) đều kết hợp được vẻ đẹp với
phẩm giá con người và đều có hứng khởi cao. Tranh Ngô Đạo Tử là mẫu
mực cho nhiều thế hệ noi theo. Người đời gọi ông là “Thánh Họa” là phải.
Trương Huyên, Chu Phương, Hàn Cán và Đới Tung có khí vận và cốt giá
đáng kinh ngạc, đời sau không thể hơn được. (Ghi chú trong nguyên tác:
Trương Huyên và Chu Phương đời Đường giỏi về tranh chân dung; Hàn
Cán giỏi về ngựa, và Đới Tung giỏi về trâu – tất cả họ đều ở đời nhà
Đường, thế kỷ 8). Cho nên ở đây ta nói rằng xưa hơn nay. Nhưng tranh
phong cảnh của Lý Thành, Quan Đồng và Phạm Khoan, tranh hoa điểu của
Từ Hy, của Hoàng Thuyên và con là Hoàng Cư Trai, lại mở ra những lối đi
khác không ai sánh được (trong suốt đời nhà Tống, trừ Quan Đồng ở đầu
thế kỷ 10). Thậm chí nếu bố con Lý Tư Huấn, với tam Vương (Vương Duy,
Vương Hưng và Vương Tể [đời Đường], cùng Biên Luyễn và Trần Thạch,
đều là các chuyên gia hoa điểu [của nhà Đường] có tái sinh bây giờ thì cũng
khó lòng sánh được với các danh họa đương đại. Cho nên nói nay hơn xưa
là ở chỗ này. Phải nhìn cho hết trước sau, nhận cho ra ai giỏi hơn ai cái gì,
chớ nên vơ đũa cả nắm vậy.