dần đắp cho đủ da thịt bên ngoài, đạt được cái khối và độ sâu mà vẫn giữ
được mức độ nhẹ nhõm của cái thần. Đó là nguyên tắc chung. Các bậc thầy
chẳng phải lo đến những nguyên tắc ấy nữa. Họ vẽ tung hoành mà vẫn kiểm
soát được tất cả ở mức độ hoàn hảo.
Hội họa phải nhắm đến cái “tươi sống” sau khi đã đạt được cái “thành
thục”. Cái khó là ở chỗ một khi đã thành thục thì lại khó bề tươi sống. Tuy
nhiên, có cái khác nhau giữa “thành thục quá hóa quen tay” (lạm thục) và
“thành thục vừa độ” (nguyên thục). Nếu là “thành thục vừa độ” thì có thể
tươi sống được. Nét vẽ mà vụng dại thì hay hơn khéo léo, mà một khi đã
khéo léo thì rất khó bề vụng dại. Nhưng nếu bức tranh có cá tính và vẽ nó
không hề phải khó khăn cố sức, thì có thể vụng dại mà vẫn khéo léo, vì cái
khéo léo lúc ấy vẫn có hiệu quả vụng dại. Chỉ có các họa sỹ đời Nguyên là
hiểu được những nét tươi sống và vụng dại mà thôi.
[Đây là một khái niệm mới, nhưng cũng đã được những người khác như
Đổng Kỳ Xương đề cập đến. Theo nguyên tác, “tươi sống” ở đây là chữ
sinh; lão luyện là chữ thục, nghĩa đen là “nấu chín”; và “ngây dại” là chữ
chuyết, nghĩa đen là vụng, ngu. Những khái niệm này rất quan trọng trong
việc đánh giá thưởng thức hội họa Trung Quốc. Nó gắn liền với ý thức coi
khinh cái “xinh xắn”, “dễ thương” trong tranh. Người họa sỹ cần vẽ được
những nét bút vừa vụng dại vừa tươi sống. Tươi sống ở đây có nghĩa là nét
vẽ phải lập tức và trực tiếp từ cảm hứng mà ra. Vụng dại ở đây có nghĩa là
nét vẽ phải mang theo cái sức mạnh nguyên thủy còn chưa mài giũa gì
khiến cho nó có phẩm chất sơ khai cổ quái. Tranh của Mễ Phi hoặc Thạch
Đào có những nét như thế. Tranh đẹp phải hồn nhiên dễ dàng, không có dấu
vết gì của sự gắng sức. Cố Nghinh Viễn còn có đoạn sau đây nói rất hay về
cái vụng dại và hồn nhiên trong tranh vẽ của trẻ em.]
Người theo đuổi hội họa thường trước sau đều bị rơi vào đường mòn.
Nhưng đàn bà trẻ con và những người không có ý muốn làm họa sỹ thường
chỉ vẽ cho thích, và sợ không dám cho ai xem cái mình vẽ. Tranh của họ có
thể không giống thật, nhưng lại có một cái gì đó mà các họa sỹ thành danh
không có, ấy chính là cái sinh (tươi sống) và cái chuyết (vụng dại). Sinh và