Trích đoạn 19.
Thế kỷ 16
Cố Nghinh Viễn
khoảng 1570
BÀN VỀ DỤNG BÚT
[Cố Nghinh Viễn là họa sỹ rất được trọng vọng trong thời của ông, mặc dù
ông không phải là một danh họa nổi bật. Sách Họa Dẫn của ông, chỉ ngắn
có vài trăm chữ, có những bàn luận rất hay về các loại nét vẽ nguyên thủy
và thẳng thừng trong hội họa, chẳng kém gì những ý kiến của Hoàng Công
Vọng về cái “xinh xắn” cần phải loại bỏ trong tranh. Mặc dầu ngắn, đây là
một trong những bài viết thông minh nhất về hội họa.]
Khi chưa ngang tầm được với hội họa, việc tốt nhất nên làm là đi dạo
một mình. Có thể sẽ chẳng gặp được gì, hoặc có thể sẽ gặp một tảng đá lạ,
một cành cây khô, một cái hồ nhỏ, một đám rừng thưa. Những cái đó quanh
quất đây kia, không ai thèm để ý. Nhưng chúng đều là những mảnh của
thiên nhiên, hoàn toàn khác với những gì nhìn thấy ở trong tranh vẽ. Hãy
bình tĩnh và thận trọng ngắm nhìn chúng, hãy cố tìm ra cái phẩm chất
không thể mô tả được vốn hàm chứa những biểu hiện của sự sống. Việc này
cũng tựa như các thi nhân ghi chép những nhận xét của họ để sau này đưa
vào thơ vậy.
Phép tắc đầu tiên là phải có được “khí vận sinh động”. Có nó, bức tranh
sẽ sống. Nó có thể nằm ngay trong cảnh, mà cũng có thể ở ngoài cảnh. Phải
nắm bắt nó trong những biến đổi của ánh sáng theo những buổi trời quang
mây tạnh hoặc mưa gió âm thầm ở cả bốn mùa. Không phải chỉ đơn thuần
là việc bôi mực lên tranh mà thôi đâu.
Nếu nền tranh bao gồm những nét khô và kéo dài và các mảng mực nhòe
trông như sương mù, tranh sẽ thiếu cả dụng bút lẫn dụng mực (thiếu rõ
ràng). Nếu nền tranh gồm một nhóm những hòn cuội hoặc các hình thù nhỏ
mà lại không được vẽ cho thỏa đáng, tranh cũng sẽ thiếu rõ ràng. Để có
được cái rõ ràng của hình, trước hết phải định được “xương gân”, rồi dần