và cho thấy những hiểu biết sâu sắc về tâm lý sáng tác nghệ thuật không
thấy có ở một tác giả nào khác trong văn học Trung Quốc. Về phong cách,
nó đẹp đẽ, cổ kính, ngắn gọn, súc tích, và rất khó dịch ra tiếng ngoại quốc.
Nhưng trong tất cả các bài viết về hội họa, đây là trước tác sâu sắc nhất từ
xưa đến nay, cả về nội dung lẫn văn phong.
Tác giả dùng nhiều từ lớn lao và giản dị để diễn đạt những ý tưởng triết học
nhất định. Từ “Pháp” chỉ phép tắc và phương pháp vẽ, không phải là
phương pháp sao chép bắt chước cổ nhân, nên được hiểu là “phương pháp”.
“Thức” chỉ năng khiếu nhận biết được sự vật bên ngoài, có thể hiểu với
nghĩa “nhận biết”. “Hóa” là sự tùy nghi hành xử do đã hiểu rõ sự vật, có thể
hiểu với nghĩa “phát triển” hoặc “biến hóa”. “Thụ” thường chỉ cái bản năng
nhận thức, tiếp thu, nhưng cũng có nghĩa là nhận được những cảm hứng từ
bên ngoài, có thể hiểu với nghĩa “cảm thụ”. “Chất” là vật chất, cái “thể” của
sự vật trong thế giới vật chất này. “Thiết” là bày đặt ra, trang hoàng cho
xứng ý mình, cũng có thể hiểu là “trang trí”. “Lý” chỉ cái qui luật nội tại
của sinh tồn, cái bản chất nội tại của muôn vật. “Thần” và “Linh” thật ra rất
khó phân biệt rạch ròi, đều mang nghĩa “tinh thần” hoặc “linh hồn”. “Phận”
có ý nghĩa triết học sâu hơn, nó chỉ cái vị trí phải có trong thế giới của mỗi
vật và mỗi hiện tượng, hiểu đơn giản là cái “chức năng” hoặc “phận sự” của
mỗi vật. Cái gì cũng có cái “phận” của mình trong vũ trụ, kể cả núi non,
sông suối. Người họa sỹ thâm nhập cuộc sống của thế giới rồi thể hiện cuộc
sống ấy ra qua bút mực của mình. Không nên hiểu việc làm này như một
thực hành Thiền. Nên nhìn nhận việc sáng tác hội họa như một cuộc thâm
nhập đa thần vật thì đúng hơn. Thế giới sống động và đa dạng là cái mà hội
họa muốn diễn đạt.
Hạt Tôn Giả quả thật đã nói được những điều trước đó chưa từng được nghe
thấy.]