kia. Nhưng chính những lời khuyên ấy đã làm chứng cho một hiện thực là
chẳng ai thèm nhìn những trái núi thật ấy.
Trong bối cảnh như vậy ta thấy xuất hiện Đạo Tế, thường được gọi là Thạch
Đào, và một người bạn của ông là Bát Đại Sơn Nhân (1625-1705). Sự xuất
hiện của hai ông là một cuộc nổi loạn. Đùng một cái, người ta xem tranh
của Thạch Đào và nhận ra rằng tất cả việc bố cục phong cảnh, từ viễn cận,
khoảng cách, tầm nhìn, chủ đề, đều không nhất thiết phải như thế như thế
và không cần gì phải giống nhau. Còn Bát Đại Sơn Nhân thì ngang nhiên
đổi mới các kỹ thuật mực nhòe lúc bấy giờ đã bị các họa sỹ chính giáo Nam
Phái từ bỏ.
Thực ra phải nói là có ba họa sỹ độc lập chứ không phải hai: Thạch Đào,
Bát Đại Sơn Nhân, và Thạch Khê (thường được biết đến với cái tên Tu Tàn,
sống vào khoảng 1610-1693), một nhà sư trước thời Thạch Đào một chút.
Trong thực tế, cả ba người này đều là sư tăng, hoặc tự coi mình là sư mặc
dù không sống trong một thiền viện nào. Cũng không rõ Thạch Đào có cạo
đầu như sư tăng hay không.
Thạch Đào tên thực là Chu Nhược Cực. Ông cũng ký là Đại Địch Tử, Hạt
Tôn Giả (Sư tăng mù), và Khổ Qua Hòa Thượng (ông sư mướp đắng). Có
người hỏi tại sao ông sáng mắt mà lại lấy tên là Hạt Tôn Giả, ông đáp, “Cặp
mắt này không thấy tiền bạc ở ngay kia khi mọi người đều thấy, vậy chẳng
phải là chúng mù hay sao?” Cả Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân đều dòng
dõi hoàng tộc họ Chu đời Minh. Khi vương triều sụp đổ, cả hai đều lánh đi
ở ẩn để tránh việc chính trị. Tên thật của Bát Đại Sơn Nhân là Chu Đại. Tục
truyền ông chọn cái tên Bát Đại Sơn Nhân là có lí do hẳn hoi: cách ông viết
bốn chữ này vào với nhau trông vừa giống chữ “khóc” lại vừa giống chữ
“cười”, để tỏ cái ý dở khóc dở cười của ông trước cảnh Trung Hoa bị người
Mãn Châu cai trị. Ảnh hưởng của Bát Đại Sơn Nhân đối với Tề Bạch Thạch
(1863-1957) là rất rõ ràng và không thể nhầm lẫn được.
Trong các giới ở Trung Quốc ngày nay, Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân
được đánh giá cao hơn các họa sỹ cổ điển khác.
Bài viết dưới đây của Thạch Đào, có lẽ vào khoảng năm 1660, có thể được
gọi là một bản “tuyên ngôn của chủ nghĩa biểu hiện”. Nó hoàn toàn độc đáo