Trích đoạn 22.
Thế kỷ 17
Thạch Đào
1641-1717
TUYÊN NGÔN CỦA TRƯỜNG PHÁI BIỂU HIỆN
[Khổ Qua Hòa Thượng Họa Ngữ Lục (Những lời nói của Khổ Qua Hòa
Thượng) là bài luận sâu sắc và hay nhất của một nghệ sỹ có tư tưởng cách
tân, bàn về chủ thuyết biểu hiện trong hội họa.
Người Mãn Châu chinh phục nhà Minh vào năm 1644, đúng vào lúc nghệ
thuật Trung Hoa đã tắc tị sau một thời kỳ dài chết dần chết mòn trong thái
độ “sao chép tiền nhân”. Nhìn bề ngoài, thời kỳ đầu của vương triều Mãn
Châu (nhà Thanh) có vẻ đã chứng kiến một cuộc chấn hưng hội họa với tên
tuổi của “Tứ Vương”:
Vương Thời Mẫn (1582-1680), hiệu là Vân Khách, Tốn Chi…
Vương Giám (1598-1677), hiệu là Viên Chiếu, Tương Bích…
Vương Huy (1632-1717), hiệu là Thạch Cốc, Canh Yên…
Vương Nguyên Kỳ (1642-1715), hiệu là Lộ Đài, Mậu Kinh…
Đặc biệt, người cuối cùng trong Tứ Vương, vốn là cháu gọi Vương Thời
Mẫn bằng ông, đã ngự trị trong thời kỳ đó trong tư cách họa sỹ được Hoàng
đế Khang Hy sủng ái nhất, đã vẽ bức tranh nổi tiếng nhân dịp mừng thọ
Hoàng đế 60 tuổi dưới sự chỉ đạo của chính Hoàng đế. Cả bốn họa sỹ họ
Vương đều coi danh họa đời Nguyên Hoàng Công Vọng là mẫu mực. Cả
bốn đều có phong cách bút khô của họ Hoàng. Tất cả đều chỉ có một mơ
ước là được như Hoàng Công Vọng mà thôi.
Tư tưởng giáo điều phải “sao chép tiền nhân” đã đi đến độ phi lý. Cứ như
thể tất cả những họa sỹ giỏi nhất ngày nay đều phải tụ tập ở bảo tàng Prado
và hiến dâng cả cuộc đời cho việc sao chép các bức tranh của Velasquez,
Goya và El Greco. Mỗi họa sỹ sẽ sao chép một bức của Goya sao cho thật
giống, từ kỹ thuật cho đến màu sắc, sáng tối, rồi ký dưới bức tranh của
mình như sau: “Sao lại của Goya, do X vẽ.”, hoặc “Theo phong cách của El
Greco, do Y vẽ.”