chúng thành như ở ngay trước mặt, không có “cao viễn” thì chúng thành
thấp lùn. Đó là ba luật viễn cận dùng khi vẽ núi: từ dưới thấp mà nhìn lên là
“cao viễn”, từ bên trong rìa núi nhìn ra là “thẩm viễn”, còn nhìn dõi về phía
xa thì là “bình viễn”. Sự vật có vẻ ngoài sáng rõ khi dùng cao viễn, tối và
nặng khi dùng thẩm viễn, và có bóng sáng tối khi dùng bình viễn. Cao viễn
cho thấy được độ cao lớn, thẩm viễn lột tả được các lớp lang phức tạp, và
bình viễn trình bày được cảnh xa nhẹ nhàng tan vào khoảng không vời vợi.
Trong phép thứ nhất, hình người nhìn thấy sáng mà rõ; trong phép thứ hai,
chúng có vẻ lúc ẩn lúc hiện; và trong phép thứ ba, hình người chỉ nhẹ nhàng
mờ nhạt mà thôi. Sáng mà rõ thì không thể thấp lùn, lúc ẩn lúc hiện thì
không thể cao lớn, và nhẹ nhàng mờ nhạt cũng không thể cao to. Đó là ba
phép viễn cận vậy.
Có ba kích cỡ cho ba thứ khác nhau. Núi to hơn cây, và cây lớn hơn
người. Nếu núi mà không lớn hơn cây hàng nhiều chục lần thì không phải là
núi lớn. Tương quan to nhỏ giữa cây và người là ở tỉ lệ giữa lá cây và đầu
người. Bao nhiêu lá thì bằng một đầu người và một đầu người chiếm chỗ
của bao nhiêu lá. Ấy là cách diễn tả tương quan giữa núi, cây và người. Đó
là ba kích cỡ vậy.
Nếu muốn vẽ núi cho cao, nên vẽ có mây phủ ở lưng chừng. Núi mà vẽ
rõ ra cả thì trông sẽ không cao. Nếu muốn vẽ sông cho dài, nên vẽ nó lúc ẩn
lúc hiện. Sông mà vẽ rõ ra cả thì nhìn sẽ không dài. Núi mà vẽ lộ hoàn toàn
thì mất cái sắc khí tiêu biểu của núi mà chỉ giống như cái đầu chày mà thôi.
Sông mà nhìn thấy đầy đủ từ đầu đến cuối thì không thể vẽ nó uốn lượn
nhiều, và sẽ giống như một con giun vậy.
Một cảnh sông có núi rừng bao quanh phải cho thấy càng nhiều chi tiết
càng tốt, khiến cho người xem có thể càng nhìn lại càng muốn nhìn kỹ hơn.
Vẽ một rặng núi chạy dài thì nên cho nó nhấp nhô thật xa để hút được tầm
mắt người xem ra xa theo nó. “Núi xa không có bề mặt, nước xa không có
sóng, người xa không có mắt.” Chúng vẫn có cả, chỉ không nhìn thấy mà
thôi.