Về chuyện thiếu kinh nghiệm rộng rãi, người sinh trưởng ở vùng đông
nam chỉ biết vẽ những ngọn núi mảnh và cứng nhắc của quê mình, còn
người sinh trưởng ở Thiểm Tây chỉ biết vẽ những dải núi dài ở Quang Sơn
và Long Sơn. Người học theo phong cách của Phạm Khoan thì thiếu cái
duyên và vẻ đẹp của Lý Thành, còn người học theo phong cách của Vương
Duy thì thiếu cái cấu trúc thanh nhã của Quan Đồng. Những lỗi ấy là do
kinh nghiệm hạn hẹp vậy.
Về chuyện thiếu cảm nhận sâu sắc và biết chắt lọc thì thế này: không
phải núi nào cũng đẹp, không phải sông nào cũng duyên dáng, khúc nào
cũng mĩ miều. Mặt đẹp nhất của núi Đài Hương là ở Lâm Lư, cảnh đẹp nhất
của núi Thái Sơn là ở Long Yên. Rõ ràng vẽ bất kỳ hoặc vẽ tất cả là phạm
cái lỗi thiếu chọn lọc vậy.
Có nhiều lỗi do thiên vị một chiều. Vẽ núi lởm chởm nhiều quá thì tranh
hóa bừa bộn; không khí xa lánh quá thì dễ thành lạnh nhạt. Nhiều nhân vật
thì dễ dung tục, nhiều nhà cửa dễ thành đông đúc. Vẽ đá nhiều nét xương
quá thì thành cứng. Vẽ đất nhiều nét thịt quá thì thành nhẽo. Nét bút không
tròn trịa đủ thì thành gẫy góc, khiến cảnh mất vẻ thực. Mực thiếu độ bóng
thì thành khô, khiến cảnh mất sức sống. Nước mà không đủ động thì là “tử
thủy” (nước chết). Mây mà không đủ tự nhiên thì là “băng vân” (mây đóng
băng). Núi mà không có sáng có tối thì gọi là “thiểu sắc độ”, còn vẽ lộ hết
ra thì gọi là “thiểu sinh khí” (thiếu hơi thở mù sương). Sáng và tối là do ở
mặt trời. Vẽ mà thiếu sáng tối thì cũng như không có mặt trời ngoài thiên
nhiên vậy. Sương mù lẩn quất, nếu không vẽ sự vật chỗ ẩn chỗ hiện thì
không tả được sự vần chuyển của khí mù sương vậy.
Núi non là những vật lớn lao. Chúng nhô lên hạ xuống, mở ra và tĩnh tại,
chúng phải bao la và khổng lồ, đường bệ, có thần thái nghiêm khắc; chúng
phải như đang ngoảnh nhìn một phía, phải như đang ngẩng cao đầu hoặc
cúi rạp vái chào, như đang với tới cái gì trước mặt và dựa vào cái gì sau
lưng; chúng phải ngước lên và nhìn xuống phía thung lũng, phải như đang
cúi xuống hạ lệnh cho vạn vật ở bên dưới. Thế gọi là những nét đặc trưng
của núi vậy.