Một tập thể lãnh đạo đoàn kết và quyết tâm được hậu thuẫn
của nhân dân có óc thực tiễn và cần cù vốn tín nhiệm họ đã làm
cho công việc có tính khả thi. Phải chăng tôi mong đợi một
Singapore độc lập với mức thu nhập quốc dân (GDP) 3 tỷ đôla
Singapore trong năm 1965 sẽ tăng 15 lần, lên đến 46 tỷ đôla
Singapore trong năm 1997 tính theo giá đôla năm 1965, và năm
1997 được Ngân hàng thế giới xếp vào hàng thứ 8 trong số
những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế
giới? Tôi thường bị tra vấn về vấn đề này. Câu trả lời là “không”.
Làm sao tôi có thể thấy trước được khoa học, công nghệ và đặc
biệt là những bước đột phá về vận tải, viễn thông và các phương
pháp sản xuất sẽ rút ngắn thế giới này lại?
Quá trình phát triển của Singapore là sự phản ánh của
những tiến bộ của các quốc gia công nghiệp, đó chính là những
phát minh, công nghệ, tính táo bạo và sự nỗ lực của họ. Đó là
một phần của quá trình tìm tòi nghiên cứu của con người vào
những lĩnh vực mới nhằm nâng cao sự thịnh vượng và phồn
vinh của họ. Stamfort Ra es của công ty Đông Ấn đã phát hiện
ra một hòn đảo với khoảng 120 ngư dân vào năm 1819 và biến
nó thành một nơi buôn bán trên tuyến đường biển từ Ấn Độ đến
Trung Quốc. Là một trung tâm thương mại của đế quốc Anh ở
Đông Nam Á, hòn đảo này đã phát đạt nhờ vào giao thương
quốc tế. Khi những chiếc tàu chạy bằng hơi nước thay thế
thuyền buồm, và khi kênh đào Suez khánh thành vào năm
1869, giao thương đã tăng lên và đóng góp vào sự tăng trưởng
của Singapore.
Trong suốt thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản (1942 – 1945),
vận tải đường biển giảm sút trầm trọng do chiến tranh, chẳng
khác gì một sự phong tỏa. Mậu dịch suy thoái nhanh chóng,
lương thực và thuốc men trở nên khan hiếm, và nửa triệu dân