trước lúc San Francisco đóng cửa thì Singapore sẽ nắm quyền
kiểm soát. Và khi Singapore đóng cửa, nó sẽ chuyển giao cho
Zurich. Vậy, lần đầu tiên kể từ khi hoạt động, chúng ta sẽ có một
dịch vụ vòng quanh thế giới về tiền tệ và ngân hàng trong suốt
24 giờ một ngày”.
Theo yêu cầu của Winsemius, Van Oenen thảo một bản báo
cáo về đề tài này và gởi cho Hon Sui Sen, lúc bấy giờ là chủ tịch
EDB và là cầu nối đặc biệt giữa Winsemius và tôi. Sui Sen đến
gặp và đề nghị chúng tôi nên tháo bỏ luật hạn chế kiểm soát
ngoại hối trong mọi giao dịch tiền tệ giữa Singapore và các lãnh
thổ bên ngoài khu vực đồng bảng Anh. Chúng tôi vẫn là thành
phần của khu vực đồng bảng Anh vốn đòi hỏi quyền kiểm soát
hối đoái trong việc luân chuyển tiền tệ. Khi Sui Sen thăm dò
một quan chức ngân hàng Anh về khả năng thiết lập thị trường
ngoại tệ giúp chúng tôi có một thị trường đồng đôla châu Á
giống như Hong Kong, thì ông ta được bảo rằng việc dàn xếp ở
Hong Kong là được phép vì những lý do lịch sử, còn Singapore –
ông ta được cảnh báo rằng – sẽ có thể phải ra khỏi khu vực đồng
bảng Anh. Tôi chấp nhận rủi ro này và bảo Sui Sen cứ tiến hành.
Ngân hàng Anh không gây áp lực về vấn đề này và Singapore
không phải rời bỏ khu vực đồng bảng Anh. Bất luận thế nào,
nước Anh cũng giải thể nó 4 năm sau đó.
Không giống như Hong Kong, Singapore không thể dựa trên
danh tiếng của thành phố London vốn là một trung tâm tài
chính có lịch sử ngân hàng quốc tế lâu đời, cũng như không thể
dựa vào sự giúp đỡ của Ngân hàng Anh vốn tiêu biểu cho sự dày
dạn kinh nghiệm, độ tin cậy và uy tín về mặt tài chính. Năm
1968, Singapore là một nước thuộc Thế giới thứ Ba. Tình hình
xã hội ổn định, môi trường sống và làm việc tốt, cơ sở hạ tầng
đạt tiêu chuẩn và lực lượng Lao động có chuyên môn giỏi cũng