hiểu tiếng Anh và tiếng Quan thoại của tôi nên cả hai có thể trao
đổi với nhau mà không cần phiên dịch. Điều này rất quan trọng
trong việc tạo nên sự đồng cảm giữa hai bên để về sau phát triển
thành một sự hòa hợp. Tôi đã giải thích tình hình chính trị địa
lý ở Đông Nam Á, giải thích tại sao Singapore bị xem là một
Trung Quốc thứ ba, sau Trung Quốc và Đài Loan. Chúng tôi
không thể chối bỏ những mối quan hệ chủng tộc, văn hóa và
ngôn ngữ nhưng việc chúng tôi chống lại những người cộng sản
Malaysia đã tái khẳng định với các nước láng giềng rằng chúng
tôi sẽ không là con ngựa thành Troa của một nước Trung Quốc
cộng sản.
Về sau, đại diện thương mại của chúng tôi ở Đài Bắc báo cáo
rằng ngài Thủ tướng có ấn tượng tốt về Singapore và về tôi, và
vui mừng đã được gặp tôi. Một yếu tố rõ ràng đã tạo thuận lợi:
Con gái tôi, lúc bấy giờ là sinh viên y khoa còn rất trẻ, cũng cùng
đi với chúng tôi. Nó học trường dạy bằng tiếng Hoa và nói tiếng
Quan thoại lưu loát. Nhìn cách xử sự của nó người ta biết ngay
nó là người Hoa. Điều này rất quan trọng đối với việc Tưởng
Kinh Quốc hiểu vợ tôi, con gái tôi và tôi, và nhờ thế đã giúp định
đoạt mối quan hệ giữa Singapore và Đài Loan. Qua trao đổi thư
từ giữa Tưởng Kinh Quốc và tôi đã phát triển một tình bạn thân
thiết.
Chuyến đi của tôi hoàn toàn được giữ kín với giới báo chí, cả
ở Singapore lẫn Đài Loan. Đó là do yêu cầu của tôi nhằm tránh
dư luận quốc tế chú ý và bàn cãi.
Khi tôi đến thăm Đài Loan một lần nữa vào tháng 12/1974,
Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc đã đích thân quan tâm đến
chương trình của tôi. Ông ta xếp đội hình các đơn vị quân đoàn
hải quân và thủy quân diễu hành theo nghi thức duyệt binh,
như vẫn thường dành cho các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm,