lập pháp đã thúc ép và buộc chính phủ phải thực hiện các phúc
lợi y tế, hưu trí và các khoản trợ cấp an sinh xã hội khác; thế là
ngân sách bị thâm thủng. Trong những năm 1990, sự đối lập
cứng rắn trong cơ quan lập pháp đã khiến chính phủ gặp khó
khăn trong việc tăng thuế để cân bằng ngân sách. May thay, từ
trước đến nay công nhân Đài Loan cũng vẫn có động cơ thúc
đẩy tốt hơn những đồng nghiệp của họ ở phương Tây.
Tưởng Kinh Quốc và các vị bộ trưởng của ông ta tự hào nhất
về sự phát triển giáo dục của họ. Mỗi học sinh được học ít nhất
hết cấp trung học cơ sở, cả thảy là chín năm, và đến những năm
90, khoảng chừng 30% học sinh là sinh viên tốt nghiệp đại học.
Bộ trưởng Tài chính của họ, ông K.T. Li kêu than về nạn chảy
máu chất xám. Từ những năm 60, trong số khoảng 4.500 sinh
viên tốt nghiệp đại học sang Mỹ học lấy bằng tiến sĩ hàng năm
chỉ có 500 người trở về. Khi Đài Loan đã nổi lên trong bảng xếp
hạng các quốc gia về kinh tế, Li bắt đầu lôi kéo một số những
người giỏi nhất trở về, bao gồm những người đã làm việc trong
những phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu và trong những
công ty điện tử đa quốc gia cỡ lớn. Ông ta xây dựng một trung
tâm khoa học gần Đài Bắc và cho họ vay vốn với lãi suất thấp để
họ khởi sự kinh doanh trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Công
nghiệp điện toán của Đài Loan nhờ thế mà cất cánh. Những
người này đã thiết lập mạng lưới quan hệ với người Mỹ trong
công nghiệp điện toán và đã tiếp thu được kiến thức và hiểu biết
chuyên môn giúp họ sánh kịp với những phát triển mới nhất và
tiếp thị được các sản phẩm của mình. Hỗ trợ họ là những kỹ sư
và kỹ thuật viên Đài Loan được đào tạo trong nước.
Trong số 2 đến 3 triệu người dân đại lục theo về với quân đội
của tướng Tưởng Giới Thạch có một lớp đông đảo các trí thức,
nhà quản trị, các học giả và các nhà doanh nghiệp. Họ là chất