Trung Quốc cần thay đổi là hệ thống hành chính trung ương tập
quyền quá mức, thái độ và nếp nghĩ của nhân dân để họ có khả
năng tiếp thu nhiều hơn các ý tưởng mới, cho dù là của Trung
Hoa hay của nước ngoài, sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng đó và
áp dụng vào hoàn cảnh của Trung Quốc. Điều này người Nhật
đã làm một cách thành công.
Triệu Tử Dương lo rằng nền kinh tế Trung Quốc không thể
cất cánh như các nền kinh tế các nước mới công nghiệp hóa mà
không gặp khó khăn do lạm phát cao. Tôi giải thích rằng sở dĩ
như thế là vì, khác với Trung Quốc, các nước mới công nghiệp
hóa chưa bao giờ phải điều chỉnh nền kinh tế được hoạch định
với giá cả ấn định cho các mặt hàng cơ bản được kiểm soát ở
mức thấp không thực tế.
Ông ta bộc lộ sự tin tưởng lặng lẽ của một đầu óc sáng suốt,
mà nhận thức mau lẹ. Khác với Hoa Quốc Phong, ông ta là một
con người lịch sự, chứ không phải võ biền, ông ta có một phong
cách dễ chịu, không thô bạo, hống hách. Nhưng để sống còn ở
cấp cao tại Trung Quốc, người ta cần phải cứng rắn và nhẫn
tâm; và đối với Trung Quốc vào thời kỳ đó, ông ta là người quá
lơi lỏng trong cách tiếp cận luật pháp và trật tự. Khi chúng tôi
chia tay, tôi đâu biết chỉ trong vòng một năm, ông ta đã trở
thành kẻ thấp cổ bé miệng.
Ngày hôm sau, 17/9/1988, tôi có cuộc gặp cuối cùng với
Đặng. Ông ta bị rám nắng sau mấy tuần lễ ở Bắc Đại Hà, khu
nghỉ dưỡng ở cạnh bờ biển về phía đông Bắc Kinh dành cho các
nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông ta trông khỏe mạnh và giọng nói
trong vang. Tôi ca ngợi sự tiến bộ về kinh tế của Trung Quốc.
Vâng, đã có “những kết quả khá tốt” trong thập niên qua, nhưng
sự phát triển tốt đẹp về kinh tế đã làm nảy sinh nhiều vấn đề
mới. Trung Quốc phải kiềm chế lạm phát. Điều quan trọng là