Nhiều người, trong đó có tôi, đánh giá thấp khả năng duy trì
quyền lực của Giang Trạch Dân, vì tính cách thân mật vui vẻ và
sở thích trích dẫn thơ văn của ông ta mỗi khi có cơ hội. Song
trong ông hẳn phải là một người đấu tranh không nhượng bộ,
điều mà các đối thủ của ông đã khám phá và thấy không có lợi
cho họ khi họ cản trở ông. Không có vấn đề gì nghi vấn về phẩm
chất trung thực và lòng tận tụy của ông đối với sự nghiệp cao cả
mà Đặng Tiểu Bình đã giao phó cho ông là tiếp tục thực hiện
công cuộc hiện đại hóa, biến Trung Quốc thành một xã hội công
nghiệp phồn vinh với “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.
Ông ta giải thích cho tôi một hồi về ý nghĩa của nó, rằng Trung
Quốc phải có một nền kinh tế khác với nền kinh tế thị trường tự
do của phương Tây vì người dân Trung Quốc là những người
theo chủ nghĩa xã hội.
Hai năm sau, khi tôi gặp lại Giang Trạch Dân vào tháng
10/1992, một vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Mỹ,
chúng tôi trao đổi về tình hình quốc tế. Tôi gợi ý Trung Quốc
nên tranh thủ thời gian cho mình nếu Clinton thắng cử. Ông ta
nên cho Clinton cơ hội để vận động và thực hiện một sự đảo
ngược đối với một số chính sách của ông ta, chẳng hạn như quy
chế tối huệ quốc cho Trung Quốc, nhằm tránh một sự đối đầu
gay gắt. Một vị tân tổng thống trẻ tuổi đang háo hức chứng tỏ
cho những người ủng hộ ông ta thấy rằng ông ta sẵn sàng thực
hiện những gì ông diễn thuyết trong khi vận động bầu cử có thể
thành vấn đề cho cả Trung Quốc và Mỹ.
Giang Trạch Dân lắng nghe. Ông trả lời một cách gián tiếp.
Ông ta đã đọc các bài diễn văn mà tôi đã đọc ở Trung Quốc và
những nơi khác. Trong suốt chuyến công du của Đặng đến các
tỉnh phía Nam vào tháng Giêng năm đó, Đặng đã nhắc đến sự
phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á và đặc biệt là