kháng cáo của họ vào tháng 10. Tôi nên nhờ Pritt lo vụ kháng
cáo cho họ không?
Sự thách thức pháp luật của họ là mối quan tâm trước mắt
của tòa. Nhưng những vấn đề tiềm ẩn thì rất sâu xa và cơ bản.
Những người Hán học không giữ một vị trí hay vai trò nào trong
sinh hoạt chính thức của thuộc địa này vốn chỉ sử dụng dân bản
xứ có Anh học làm nhân viên. Chính quyền mở trường tiểu học
dạy bằng tiếng Anh và tiếng Malay, còn trường trung học thì chỉ
dạy bằng tiếng Anh.
Nhưng những cộng đồng dân nhập cư bị bỏ mặc tự lo lấy
thân. Người Hoa quyên góp nhau và xây trường cho họ. Hoàn
toàn tự túc, họ dùng sách giáo khoa xuất bản ở Trung Quốc và
mời thầy từ Trung Quốc qua để dạy bằng tiếng Quan thoại cứ
như họ đang ở Quảng Đông hay Phúc Kiến vậy. Về văn hóa, họ
sống trong một thế giới tách biệt. Học xong trung học, học sinh
có thể học tiếp bằng cách chuyển sang một trường dạy tiếng
Anh và như thế tiến thân theo những bậc thang Anh học, hoặc
tìm việc trong các cơ sở dùng tiếng Hoa – các cửa tiệm, nhà hàng
hay công ty, hoặc một vài ngân hàng của người Hoa.
Họ cảm thấy trơ trọi, và sự thiếu vắng cơ hội kinh tế đã khiến
các trường học của họ trở thành nơi hun đúc các tư tưởng
khuynh tả vốn đã xuất hiện ở Singapore và Malaya từ 1923, khi
Quốc tế cộng sản lần đầu cử cán bộ từ Thượng Hải qua đây. Sau
Thế chiến, thành tích kháng Nhật khiến uy tín của MCP lên cao
và trở thành một lực lượng mạnh trong giới trẻ và họ đã xây
dựng được một mạng lưới chi bộ tại các lớp học. Nhiều thầy giáo
đã trở thành đảng viên hoặc cảm tình đảng; nhiều học sinh quá
tuổi vì học hành dang dở do việc Nhật chiếm đóng cũng đã được
kết nạp; còn ban quản lý trường phần lớn là các thương gia cũng
có cảm tình hoặc ngại ngăn cản họ.