nhưng không như các ủy viên của chúng tôi, họ hoàn toàn vui
vẻ làm việc với những người được thực dân bổ nhiệm. Một khác
biệt quan trọng là họ đang chống lại cuộc chiến tranh du kích
của những người cộng sản mà chỉ có thể bị dập tắt nhờ vào sự
giúp đỡ của quân đội Anh, Úc và New Zealand, và người Anh yêu
cầu tình trạng khẩn cấp phải chấm dứt trước khi nền độc lập
được trao trả.
Tháng 1/1956, Tunku đi London để dự một hội nghị hiến
định, và trên đường từ Singapore đến nước Anh trên con tàu
khách Asia của Ý, ông ta đã nói với báo chí là ông ta không đồng
ý với Marshall rằng Singapore phải được hưởng quy chế bình
đẳng trong bất kỳ liên minh nào giữa họ. Nếu Singapore được
hưởng quy chế bình đẳng, “nó sẽ gây hoảng loạn cho những
người Malay ở lục địa. Người Anh tách đôi hai lãnh thổ chủ yếu
để bảo vệ quyền lợi của người Malay trong Liên bang”. Tuy
nhiên, ông ta đồng ý với PAP rằng các cuộc thảo luận sẽ được mở
ra giữa các lãnh tụ của Singapore và Liên bang để bàn về một
liên minh tương lai. Trong đoạn văn dẫn của mình trên tờ
Singapore Standard, Raja giải thích “liên minh tương lai” có
nghĩa là “sự hợp nhất tương lai”. Raja có lẽ đã không có sai lầm
nào lớn hơn.
Tunku có ý gì khác trong đầu, không phải là sự hợp nhất của
hai lãnh thổ mà là “một liên minh”, một sự dàn xếp giữa hai
thực thể riêng rẽ. Ông ta không muốn Singapore thành một
bang trong Malaya vì nó sẽ làm đảo lộn cán cân chủng tộc ở
Malaya. Ông ta cũng không muốn Singapore thành một xứ độc
lập ngang hàng với Malaya. Ông ta muốn người Anh vẫn nắm
quyền điều khiển một Singapore tự trị, và hình thành một liên
minh với một chính phủ Singapore không có chủ quyền. Thật