nhường cho nước Anh tiếng nói quyết định trong việc đối ngoại.
Nói tóm lại, ông ta sẽ đạt được điều đó bằng cả hai cách. Với sự
ủng hộ chút ít từ bạn bè của ông ta, trong đó có Ong Eng Guan,
thủ quỹ của PAP, ông ta phát động một “Merdeka Week” (Tuần lễ
độc lập) nhằm thu thập chữ ký của quần chúng và bày tỏ sự ủng
hộ của quần chúng đối với nền độc lập và bản thân ông ta như
một chiến sĩ của nó. Vì mọi người đều biết chính phủ liên hiệp
của ông ta non kém, nên ông ta cũng quyết định đưa sang
London một đoàn đại biểu từ đủ mọi đảng phái nhằm chứng
minh sự đoàn kết của họ trong vấn đề này.
Ông ta đã ở đó vào tháng 12/1955 và được khích lệ từ những
cuộc gặp gỡ với các Bộ trưởng và dân biểu quốc hội Anh đến độ
ông ta đã tuyên bố với báo chí Anh là không còn các “tay thủ
cựu” nữa, một điều mà ông ta cho là đáng lặp lại trong Hội đồng
lập pháp sau khi trở về Singapore. Ông ta cũng thuyết phục mọi
đảng phái đồng ý việc ông ta mời một phái đoàn các dân biểu
Anh thuộc Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động đến thăm Singapore
trong tuần lễ Merdeka, khi nó lên đến đỉnh điểm trong một cuộc
mít–tinh vào ngày chủ nhật 18/3/1956 ở phi trường Kallang.
Trong khi đó khoảng 170.000 chữ ký đã được thu thập, và một
tình huống để chụp ảnh đã được dàn xếp để ghi hình những văn
kiện đóng gói lớn được đoàn đại biểu liên đảng trình trước Hạ
nghị viện như một bằng chứng về lòng khát khao độc lập của
Singapore.
Sáu nghị sĩ quốc hội Anh đến, nhóm thuộc Đảng Lao động
dẫn đầu bởi Herbert Morrison, từng là Bộ trưởng nội vụ trong
chính phủ của Đảng Lao động nhiệm kỳ đầu tiên năm 1945–
1950 và là nhân vật thứ hai sau thủ tướng Clement Attlee.
Chúng tôi gặp họ thân mật ở các buổi tiếp, và tôi giải trí một
buổi tối với họ tại một câu lạc bộ trong Capitol Building. Màn