chính quyền. Ngày 23/8, chính phủ phát hành một bạch thư
(sách trắng) với một phần trình bày về “sự xâm nhập của cộng
sản vào PAP”. Để tránh những cáo buộc liên can đến chúng tôi
trong những vụ bắt bớ này, tôi đã đưa ra một kiến nghị tại Hội
đồng lập pháp ngày 12/9, nêu rõ những điểm không chính xác
trong bạch thư. Tôi chỉ ra rằng ông Tổng ủy viên đã che giấu yếu
tố quan trọng nhất khiến ông ta ra tay hành động, cụ thể là do
tổ chức STUC, cơ sở quần chúng của ông ta, lúc đó đang có nguy
cơ bị Lim Chin Joo khống chế. Ông ta không hành động vì ủng
hộ PAP mà chỉ để cứu vãn vị trí của mình vào một thời điểm đã
được tính toán để gây rắc rối chính trị tối đa cho chúng tôi.
Nếu phái thân cộng học được bài học về sự manh động thì
PAP cũng vậy. Nó học được bài học về sự dại dột khi chấp nhận
một định chế dân chủ khiến nó có thể bị khống chế qua sự thâm
nhập của đối phương vào các chi bộ của nó. Chúng tôi đã thảo
luận một số khả năng thay đổi để bảo đảm rằng chuyện này
không tái diễn được. Nhưng ngay khi Pang Boon và tôi khởi sự
thanh lọc các chi bộ thì chúng tôi lại bận rộn chuẩn bị cho kỳ
bầu cử Hội đồng thành phố trong tháng 12 sắp tới. Sau hai đợt
thanh trừng chính trị của Lim Yew Hock vào năm 1956 và
1957, kỳ bầu cử này sẽ là lần trắc nghiệm đầu tiên về ý kiến
công chúng. Danh sách cử tri đã tăng hơn 10 lần so với năm
1950 và lên đến 500.000 cử tri sau khi Pháp lệnh về quyền công
dân được thông qua vào tháng 10/1957, cho phép mọi người đã
lưu trú tại Singapore suốt 8 trong vòng 10 năm trước đó được
hưởng quyền công dân cho dù họ không ra đời tại đây.
Mối quan tâm lớn của tôi là tránh xung đột với Lim Yew
Hock và Mặt trận Lao động của ông ta, vì điều đó sẽ chỉ làm tăng
lòng thù ghét của khối người nói tiếng Hoa đối với ông ta, làm
suy giảm vị thế chính trị của ông ta và khiến ông ta có hành