người Anh rằng họ có thể tiếp tục các kế hoạch của mình mà
không sợ bị trừng phạt.
Nhiều năm sau, vào năm 1982, Selkirk nói với một phóng
viên rằng Puthucheary đã điện thoại cho ông ta vào sáng thứ Ba
18/7 đó, để hỏi rằng ông ta (Puthucheary) cùng một hai người
bạn có thể tới gặp ông không. Selkirk đã đề nghị bữa trưa ngày
hôm sau. Puthucheary nói rằng vấn đề rất khẩn cấp và ông ta
muốn gặp càng sớm càng tốt nếu thuận tiện. Selkirk “đã miễn
cưỡng mời họ tới dùng trà” lúc 4 giờ chiều. Selkirk nói rằng điều
cốt yếu mà họ hỏi ông ta là:
“‘Phải chăng hiến pháp được soạn nhằm phục vụ Lee
Kuan Yew hay đó là một hiến pháp tự do?’ Tôi chỉ nói thế
này: ‘Đó là một hiến pháp tự do, hãy bám chặt vào đó và
không bạo loạn ông hiểu chứ?’ Toàn bộ chỉ có vậy. Rồi họ ra
về, sau đó tôi nói với Lee Kuan Yew, trước cuộc thảo luận
trong Quốc hội, rằng tôi đã gặp bọn họ.”
Nhưng tôi tin rằng họ không nhìn ra vấn đề. Selkirk chẳng
phải một nhà chính trị non kém. Ông ta hiểu ý nghĩa của bản
tạm ước. Đối với đại diện cao cấp của chính quyền Anh tại
Singapore, việc đích thân tiếp kiến Lim Chin Siong và Fong
trong một giai đoạn khủng hoảng trong đó tương lai của chính
quyền bản xứ đang gặp nguy cơ tức là đưa ra một tín hiệu có ý
nghĩa nào đó. Nhóm thân cộng hẳn sẽ lý giải điều đó như một
công nhận rằng người Anh đã sẵn sàng làm việc với Lim, một
cựu tù nhân, người mà theo hiến pháp 1958, đã bị cấm tham gia
các cuộc bầu cử. Hơn nữa, không ai trong số bốn người tới gặp
Selkirk là dân biểu trong Quốc hội lập pháp và do đó họ không
có tư thế để biện minh cho bất kỳ một thảo luận nào về việc
thành lập một chính phủ mới. Tôi không thể chấp nhận cách
giải thích của Selkirk rằng ông ta đã gặp họ hoàn toàn vì lịch sự