Chiều hôm ấy trên con đường từ trường Bưởi tới làng Thụy Khuê, họ
chuyện trò vui vẻ khác thường. Vì mới xảy ra một sự lạ lùng, rất không ngờ
trong cái đời ít thay đổi của anh em học sinh. Buổi sớm người gánh hàng
quà bánh đến bán ở cổng trường không phải là bà Cán, mà lại là một cô gái.
Bà Cán, người bán hàng cho các cậu, cho những người học trước các cậu
không biết từ đời nào, còn ai dám đến đây cướp mối hàng của bà. Thế mà
bỗng thấy một cô gái ung dung gánh một gánh quà đến ngồi bán ở cổng
trường thì phỏng có lạ không. Gánh hàng quà cũng giống gánh hàng quà
của bà Cán, một bên quang thúng đựng bánh giầy, xôi, giò, chả, và một bên
quang đặt nồi cháo đậu.
Trước buổi học sáng các cậu học sinh phần còn bỡ ngỡ, phần thấy cô
hàng quà có nhan sắc, nên bẽn lẽn và vì nể không muốn vội hỏi lôi thôi.
Những buổi trưa, anh em đã quen quen, không bảo nhau mà cùng đến
trường sớm lắm, ý chừng để nhìn cô hàng xinh đẹp, cũng như buổi sáng cô
hàng đặt gánh dưới bóng mát cây bàng, rồi mỉm cười cúi xuống lẩm nhẩm
đếm những nắm xôi trên mẹt.
Một cậu đứng trong giậu găng thò tay ra ngoài vẫy hỏi:
- Cô có bán chịu đấy chứ?
Cô hàng lắc đầu, đáp:
- Không, tôi biết cậu là ai mà tôi bán chịu?
Anh em bạn đứng gần cô hàng cất tiếng cười to nhưng cậu kia không
chột dạ, không thẹn thùng, hỏi lại:
- Vậy cái bà Cán xóm Ổi đâu lại không đến, và cô là người nào mà
dám đến bán tranh. Cô phải biết tôi ăn quà chịu bà Cán đã bốn năm nay,
không bao giờ tôi chịu quỵt một xu, và hiện bây giờ tôi còn nợ bà Cán đến
bốn năm hào. Nay vì lẽ gì cô không bán chịu cho tôi?