Những sự quẫn bách của bọn anh em lao động, nhiều lần bà ta cũng
chịu gánh chung một vài phần mà không hé môi than thở: Bọn lao động từ
người làm thợ cho chí người làm cu ly biết bao là khách mua quà hoặc
khách ăn cơm tháng của bà ta. Cố nhiên anh em cũng có đồng chịu đồng
trả. Gặp những khi mất việc làm, chẳng giúp gì được họ thì chớ, bà Cán nỡ
đâu lại còn đòi nợ họ, mà họ cũng chẳng có tiền đâu mà trả.
Vì thế bà ta nghe họ phàn nàn, oán trách giận dữ mà lấy làm lo cho họ,
mà lấy làm lo cho mình, nên luôn luôn vui cười vỗ về, khuyên dỗ:
- Thôi, ở đời biết nhịn nhục là hơn hết!
Nhẫn nại là một tính tốt của những người đã từng trải cuộc đời, là
khoa triết lý rất sâu sa của bọn dân nghèo đói. Cho dẫu họ bị xử tàn ngược
đến đâu, họ cũng chỉ đem cái tính nhẫn nại ra đối phó, hoặc yên lặng chẳng
nghĩ ngợi gì, họ có cái tư tưởng sáo của cả một cái chủng tộc, để che đậy
nhu nhược, tính nhu nhược cần phải có: "Tránh voi chẳng xấu mặt nào!".
Phải, tránh voi chẳng xấu mặt nào mà nhiều khi lại khỏi mất cái "kiếm
cơm áo" nữa. Bà Cán đã từng thấy sự chật vật của bọn lao động đứng trước
sự sống, như cây rong mọc ở dưới hồ cố sức ngoi lên mặt nước.
Song, tính vui cười hồn nhiên vẫn là tính căn bản của hạng người làm
việc bằng chân tay. Những sự phiền muộn chốc lát, họ quên ngay. Rồi
người này nói đùa một lời, người kia pha trò một câu, họ lại thi nhau cười
khanh khách. Một người hỏi bà Cán:
- Cái cô bé ở nhà bà là con bà đấy à?
Bà Cán đáp:
- Phải, con tôi đấy.
Một người nói đùa: