tay, Alexandra từ từ ngẩng đầu lên, bình tĩnh lau nước mắt.
- Làm ơn mang đi. Tôi không chịu nổi cảnh thấy thức ăn.
Ramsey làm theo lệnh của bà Công tước, và không để ý đến lời yêu cầu của
Alexandra, ông ta để cái khay xuống bàn rồi đứng thẳng người, và lần đầu
tiên từ khi Alexandra gặp ông ta, người quản gia trông có vẻ hoang mang,
khó chịu.
- Tôi không có ý định nói bép xép – ông ta lên tiếng sau một hồi im lặng -
Nhưng tôi đã được Craddock, người thợ may của Đức bà cho biết rằng Đức
bà không ăn từ 5 ngày nay. Tôi đã bưng khay thức ăn vào cho bà ở phòng
khách nhỏ. Có lẽ cô phải vào ăn với bà, và khuyên bà ăn luôn thể.
- Bà ấy không cần thức ăn đâu – Alexandra đáp, không đứng dậy nổi – Bà
ấy không giống mọi người.
Tính tình của Ramsey đã lạnh lùng, càng lạnh lùng hơn khi nghe cô chủ nói
thế.
- Tôi đã hầu hạ bà Công tước 40 năm rồi. Tôi rất lo lắng cho bà ấy, cho nên
tôi nghĩ cô cũng phải quan tâm đến bà ấy, vì bây giờ cô là người trong nhà
rồi. Nếu tôi có gì sai lầm xin cô miễn thứ cho.
Ông ta cúi chào rồi bước lui; còn lại một mình, Alexandra cảm thấy ghê
tởm và bối rối. Ramsey quá tận tụy với bà Công tước như thế, nhưng nàng
biết thái độ của bà đối với gia nhân rất đáng ghê tởm: hai lần ở Rosemeade
bà nghiêm khắc khiển trách Alexandra đã “nói chuyện với gia nhân”.
Chuyện mà Alexandra đã nói chỉ là hỏi thăm Ramsey đã có vợ chưa và hỏi
chị hầu ở phòng khách đã có con chưa. Theo quan điểm cao đạo của bà
Công tước thì nói chuyện với gia nhân tức là xem họ ngang hàng với mình,
cho nên nàng không được nói chuyện với họ. thế nhưng, Ramsey vẫn tận
tụy với bà Công tước. Như thế tức là bà già có cái gì đấy đáng trọng ngoài
tính tự hào, tự cao, Alexandra nghĩ như thế.
Từ ưu điểm này dẫn đến ưu điểm khác, Alexandra nhìn khay trà, lòng bối
rối, tự hỏi phải chăng bà Công tước làm chuyện này như là hành động “đề
nghị hòa bình”. Mới cách đây phút, bà Công tước không hề tỏ thái độ lo
lắng đến việc Alexandra có ăn uống gì không. Ngoài ra, cái khay thức uống
có thể xem như là thức nhắc nhở cho nàng phải biết kiềm chế mình.