Chương XIV
Hôm nay có tàu từ đất liền, chở người, vật liệu xây dựng và một số
giống cây trồng, giống vật nuôi, ra đảo. Bố Nhụ và chú Thuận đã chuẩn bị
những vạt đất có thể làm nhà, làm vườn. Chưa biết giờ nào thì tàu đến. Từ
sáng sớm, một số người đã ra tận cầu cá ngóng trông. Chỉ thấy lảng vảng sa
mù che kín cả đường chân trời.
Chả biết sinh ra từ đâu, những mảng sa mù cứ lớn dần, đầu tiên lất phất
bay như những đám lông thỏ. Một vài đám bay vào đảo, rồi tan đi trong các
ngọn cây cao. Rồi đậm dần, đặc dần, nặng dần, bỗng chốc ùn ùn như những
quả núi xốp, táp vô hồi kỳ trận vào sườn đảo, lấp đầy các khe rãnh, các cầu
cảng và bãi cát. Những vạt đồi xao xác hoa lau, những bông lau gầy còm,
giã gạo chấp chới rồi chìm mất tăm trong biển khói màu mắt cá. Những
vòm cây khép tán, thoi thóp, rồi ngạt thở trong những cái bao đục lờ lờ,
trông lửng lơ như những cái trứng nhện khổng lồ. Đỉnh núi Miếu Ông Voi
bồng bềnh trôi trong hư ảo. Cái đèn pin dài ngoẵng trong tay bố Nhụ chọc
ra một tia sáng nhọn hoắt, rồi tù dần, rồi to bè ra, vàng vọt, rồi mất hết ánh
sáng. Ngửa đèn pin lên nhìn, pha sáng vàng đặc và không có tia, tròn xoay,
như mắt của con hổ ăn đèn trong đêm tối. Mọi hoạt động đều ngưng, trừ
những mảng sa mù câm lặng và cuồng dại, cứ quay đảo cuồn cuộn. Đến
chín, mười giờ, sa mù mới loãng dần, chảy thành dòng e dè và ngoằn
ngoèo, theo kẽ nứt trên vỏ cây thông dại, thành vài giọt nước rơi vu vơ
xuống mặt đất, từ cuối cái cuống đen của cành bồ kết đang rụng lá, thành
mùi âm ẩm nhưng đến là nồng nàn trên má người, trên ngực áo người...
- Tiết trời này rồi sẽ có chuyện đây. - Bố Nhụ lẩm nhẩm.
- Chuyện gì hả bố?
Ông rướn cặp lông mày rậm, có những sợi to và dài quá cỡ lên nhìn
con, gương mặt thẫn thờ, mệt mỏi.
Đến chiều vẫn chưa thấy có tàu ra. Nhụ lên văn phòng ủy ban xem sự
thể thế nào, nhân tiện, nếu chú Thuận rỗi thì nhờ chú giải giúp cho bài toán
khó. Văn phòng được quét dọn sạch sẽ. Phía tường hồi, sau tượng Bác Hồ
đặt trang trọng trên bục gỗ, là phông vải màu xanh nước biển, làm nổi bật
dòng chữ dán, cắt bằng giấy trắng, đặt ở phía tay phải Biển bạc của ta do
dân ta làm chủ, lời Bác nói với ngư dân đảo Tuần Châu và Cát Bà ngày
1/4/1959, và phía tay trái Nhiệt liệt chào mừng đồng bào ra đảo xây dựng
quê hương thứ hai. Cạnh tượng Bác Hồ, một cọc gỗ Bạch Đằng bảy trăm
năm, cắm nghiêng trên đế xi măng hình sóng nước. Nhụ đã đặt vào đó, viên
đất đáy sông Bạch Đằng mà nó nạo ra từ mỏ neo tàu. Giữa phòng là hai